Khi nhắc đến Gen Z, chúng ta sẽ nghĩ đến rất nhiều những từ khóa khác nhau như “tiến bộ”, “cô đơn” và cả “bận rộn”. Cuộc sống của UEHers cũng bận rộn như vậy, chúng ta có những lịch trình hằng ngày khác nhau cùng khối lượng công việc khác nhau. Vì vậy, cách thức làm việc và nghỉ ngơi của mỗi người cũng sẽ khác nhau, phụ thuộc vào nhu cầu và khả năng của mỗi cá nhân. Một trong những phương pháp giúp ngủ tiết kiệm thời gian trong giai đoạn “trăm công nghìn việc” đó là phương pháp ngủ đa pha. Nhưng liệu đây có phải là một phương pháp ngủ phù hợp với bạn?

(Nguồn: Pinterest)
Polyphasic sleep – Ngủ cũng cần phải có phương pháp
Theo Sleep Foundation, Polyphasic sleep hay còn gọi là giấc ngủ đa pha, là phương pháp ngủ nhiều giấc trong một ngày. Hầu hết mọi người đều ngủ theo phương pháp Monophasic sleep (giấc ngủ một pha) hay Biphasic sleep (giấc ngủ hai pha), nghĩa là họ ngủ một lần mỗi ngày kéo dài nhiều giờ hoặc có thêm một giấc ngắn vào buổi trưa. Giấc ngủ đa pha ít phổ biến hơn vì sẽ phải ngủ nhiều giấc trong ngày với thời gian mỗi giấc khá ngắn. Và tổng thời gian ngủ trong một ngày của phương pháp này sẽ chỉ dao động khoảng từ 2 đến 5 tiếng, ít hơn so với số giờ được đề xuất cho việc ngủ thông thường là 7 đến 8 tiếng một ngày.
Ngủ nhiều giấc trong một ngày giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn (Nguồn ảnh: Pinterest)
Polyphasic sleep phù hợp với đối tượng nào?
Phương pháp ngủ này thường được những người lính áp dụng khi thời gian hoạt động của họ mang tính chất linh hoạt, trong khi đó trẻ sơ sinh sẽ ngủ nhiều giấc trong ngày một cách tự nhiên khi chào đời. Vì vậy, nếu bạn có lịch làm việc theo ca hoặc chỉ làm khi có yêu cầu thì có thể cân nhắc phương pháp ngủ này khi thể chất của bạn đáp ứng đủ điều kiện để áp dụng phương pháp.
Lịch trình ngủ đa pha có thể cho phép bạn nâng cao hiệu suất làm việc hơn vì bạn có nhiều giờ thức hơn. Tuy nhiên, năng suất sẽ giảm nếu cơ thể của bạn không thích ứng được, dẫn đến tình trạng thiếu ngủ và kiệt sức. Ngoài ra, chưa có một nghiên cứu cụ thể nào chứng minh giấc ngủ đa pha mang lại lợi thế về mặt sinh lý hoặc tâm lý vượt trội hơn so với giấc ngủ một pha hay hai pha. Vì vậy, phương pháp ngủ đặc biệt này không được khuyến khích và nên cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn.
Bạn không nên đánh đổi thời gian nghỉ ngơi cần thiết của mình để làm việc (Nguồn ảnh: Pinterest)
Những lợi ích và hạn chế của phương pháp Polyphasic sleep
Tất cả các phương pháp ngủ đều có những lợi ích và hạn chế nhất định, bao gồm cả phương pháp Polyphasic sleep. Tuy nhiên, những thông tin sau đây vẫn còn thiếu những nghiên cứu hay bằng chứng đáng tin cậy nên nội dung sau đây chỉ nhằm mục đích tham khảo và cung cấp thêm thông tin từ những báo cáo khách quan. Những lợi ích của phương pháp ngủ đa pha bao gồm:
  • Tăng năng suất: Một số báo cáo từ những người theo dõi lịch trình ngủ nhiều pha có bao gồm các tuyên bố về việc cảm thấy tăng năng suất, sự tỉnh táo, khả năng học hỏi và lưu giữ thông tin.
  • Khả năng tương thích với lịch làm việc không thường xuyên: Giấc ngủ đa pha sẽ đáp ứng được lịch trình hoạt động thay đổi linh hoạt của một người, ví dụ là nhân viên làm việc theo ca.
  • Tăng khả năng mơ mộng sáng suốt (Lucid Dream): Một số ghi nhận rằng giấc ngủ đa pha sẽ làm tăng tần suất có được những giấc mơ mà bản thân có thể làm chủ hay điều khiển được.
Bên cạnh đó cũng sẽ có những hạn chế của phương pháp này bao gồm:
  • Giảm thời gian phản xạ: Việc ngủ nhiều giấc có thể khiến cơ thể phản xạ chậm chạp hơn trong những tình huống nguy cấp như né vật đang rơi, lái xe tránh vật cản.
  • Gián đoạn chu kỳ ngủ và thức: Điều này ảnh hưởng tới nhịp điệu sinh học của cơ thể, gây ra tình trạng mệt mỏi hay căng thẳng về lâu dài.
  • Thiếu ngủ: Khi cơ thể không đáp ứng được phương pháp ngủ đa pha, cơ thể sẽ khó đi vào giấc ngủ hơn.
Những lịch trình giấc ngủ được đề xuất của phương pháp Polyphasic sleep
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng và xác định được đây là phương pháp ngủ phù hợp với lối sống thường ngày của bạn, bạn có thể xây dựng một lịch trình thời gian ngủ cho mình. Không có những tiêu chí bắt buộc nào trong việc xác định lịch trình sẽ có bao nhiêu giấc hay mỗi giấc sẽ kéo dài bao lâu, chỉ cần lịch trình đáp ứng được nhu cầu và tình trạng thể chất của bạn. Sau đây là một số lịch trình mẫu được đề xuất nếu bạn không biết phải xây dựng lịch trình ra sao.
Lịch trình Dymaxion
Lịch trình ngủ này lần đầu tiên xuất hiện trong một bài báo của Time vào năm 1943. Lịch trình ngủ của Dymaxion bao gồm 4 giấc ngủ ngắn 30 phút sau mỗi 6 giờ để ngủ tổng cộng 2 giờ mỗi ngày.
Một lịch trình Dymaxion của giấc ngủ đa pha (Nguồn ảnh: heathline.com)
Lịch trình Uberman
Lịch trình này có nhiều biến thể. Một biến thể phổ biến bao gồm ngủ trưa 20 phút sau mỗi 4 giờ và tổng số giờ ngủ là 3 giờ mỗi ngày. Một biến thể khác bao gồm tám giấc ngủ ngắn trong ngày. Trong biến thể thứ ba, mỗi giấc ngắn là 30 phút thay vì 20 phút.
Một lịch trình Uberman của giấc ngủ đa pha (Nguồn ảnh: heathline.com)
Lịch trình Everyman
Lịch trình Everyman bao gồm một giấc ngủ dài 3 tiếng và ba giấc ngủ ngắn 20 phút trải dài trong một ngày. Một số biến thể khác thì có sự thay đổi về độ dài của các giấc ngủ.
Một lịch trình Everyman của giấc ngủ đa pha (Nguồn ảnh: heathline.com)
Nói tóm lại, dù bạn có chọn cho mình phương pháp ngủ như thế nào thì vẫn phải tuân thủ theo những nguyên tắc cơ bản của một giấc ngủ, đó là ngủ đủ giấc cần thiết với thời gian cố định và duy trì phương pháp ngủ một cách đều đặn, tránh thay đổi thường xuyên giữa các phương pháp. Và các phương pháp ngủ chỉ mang lại hiệu quả khi bạn có thể trạng tốt và tinh thần khỏe mạnh. Vì thế, một khi bạn đã tham khảo cho mình một phương pháp ngủ phù hợp nhất rồi nhưng vẫn khó để đi vào giấc ngủ hay khiến cơ thể bạn mệt mỏi kéo dài thì hãy đến thăm khám với các bác sĩ có chuyên môn để xác định chính xác nguyên nhân và điều trị đúng cách. Cuối cùng, DSA chúc bạn có thật nhiều sức khoẻ cùng với tinh thần lạc quan để bước vào một năm học mới, một học kỳ mới thật phấn khởi và thành công.
Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học
Nguồn tham khảo: 

Hotline