Có khi nào bạn cảm thấy mình luôn nỗ lực và chăm chỉ nhưng mọi chuyện lại chẳng đâu vào đâu? Khi bạn dành nhiều thời gian để học rất nhiều thứ nhưng lại chẳng nhớ được mấy? Khi bạn không đạt được kết quả như mong muốn và điều này dần làm bạn chán nản, nhụt chí? Nếu câu trả lời của bạn là có, hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu xem liệu bạn có đang thật sự chăm chỉ và nỗ lực hay đang rơi vào trạng thái nỗ lực ảo mà chính bản thân bạn cũng không nhận ra nhé!
Nỗ lực và ranh giới thực – ảo?
Nỗ lực được định nghĩa là cố gắng hết sức, tức là việc bạn cố gắng, kiên trì và chăm chỉ rất nhiều lần so với những gì bạn có để theo đuổi những mục tiêu, đam mê của bản thân. Còn nỗ lực ảo chính là khi bạn biết rằng mình cần phải nỗ lực và cảm giác bản thân đã nỗ lực, chăm chỉ, nhưng sự thật thì nó cũng chỉ là cảm giác của bạn. Chẳng hạn như việc các bạn đặt ra cho mình rất nhiều mục tiêu, công việc cần phải làm cho bản thân như là đọc sách hay học tiếng anh, nhưng thay vì cố gắng kiên trì để làm tốt thì bạn lại sao nhãng vào các hoạt động khác. Đôi khi là bạn có làm, có thực hiện nhưng lại không tới nơi tới chốn.
Nguồn: Dân Trí
Những dấu hiệu cho thấy bạn đang nỗ lực ảo
Bạn Thu Thảo, sinh viên năm ba, ngành Tài Chính UEH chia sẻ: “Mình từng gặp phải tình trạng nỗ lực ảo. Đặc biệt là khi mình đang trong quá trình thực hiện mục tiêu xa như giao tiếp tiếng Anh tốt. Mình chỉ xem một vài video hay luyện tập một chút nhưng tự nghĩ rằng bản thân đang nỗ lực rất nhiều.”
Cái gì cũng muốn, nhưng lại không biết muốn gì
Tiếp nhận mọi thứ không chủ đích nghĩa là thấy cái gì hay ho cũng đều muốn thử, chẳng hạn như thấy một quyển sách hay cũng muốn mua về đọc, thấy một công thức nấu ăn ngon cũng lưu lại định làm, tải tài liệu về đầy máy, nhưng không bao giờ mở ra… Bạn nghĩ mình đã nâng cao được sự hiểu biết của mình nhưng thực tế thì không như vậy. Bạn cứ mơ hồ trong sự hứng thú, tò mò của vô vàn thứ hay ho trên đời, muốn nỗ lực để được như thế, nhưng khi đào sâu vào vấn đề, làm thế nào để đạt được những điều đó, kế hoạch cụ thể ra sao… thì bạn vẫn chưa có sự hình dung rõ ràng về nó.
Thậm chí khi biết cần phải làm gì và đặt ra mục tiêu nhưng vẫn không hoàn thành được
Có những bạn khi bắt tay vào làm việc gì đó đều đặt mục tiêu và ghi ra những điều cần làm rất nhiều, đầy đủ. Nhưng khi thực hiện lại làm rất hời hợt, được một thời gian ngắn sẽ lấy muôn vàn lý do để lảng tránh và trì hoãn việc thực hiện. Kết quả tương tự như khi
tiếp nhận không có chủ đích, vì không thực hiện tới nơi tới chốn nên cũng chẳng đạt được gì hơn.
Những hậu quả do nỗ lực ảo gây ra
“Mình thấy rằng khoảng thời gian nỗ lực ảo cực kỳ mông lung, vì khi đó sẽ luôn nghi ngờ bản thân không biết sẽ ra sao. Nỗ lực ảo sẽ mang lại một cảm giác an toàn tạm thời, nhưng trong dài hạn sẽ không mang lại ảnh hưởng tích cực cho bất kỳ ai.” – Cũng như một số bạn trẻ khác, bạn Thanh Tâm, sinh viên năm hai ngành Tài Chính cũng từng có thời gian phải sống cùng “căn bệnh” này, chia sẻ.
Công việc vì ôm đồm quá nhiều nên sẽ không có việc nào hoàn chỉnh, dẫn đến không hiệu quả, luôn ở trạng thái áp lực trong công việc. Khi đạt được điều gì đó, cá nhân sẽ tự mãn với thành tích tạm thời và nhanh chóng bỏ cuộc khi bản thân bị áp lực hoặc chưa hoàn thành được 20 – 30% kế hoạch.
Trong cuộc sống hàng ngày, bạn thường hay so sánh với người khác và đặt áp lực lên bản thân. Luôn nghĩ mình đã nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn thất bại và không tin vào nỗ lực nữa.
Về lâu dài, việc này khiến bản thân luôn dậm chân tại chỗ và không thể phát triển bản thân, kể cả trong công việc cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.
Nỗ lực ảo khiến cuộc sống bạn trì trệ – Nguồn ảnh: Sống Đẹp
Một số tips giúp bạn thoát khỏi nỗ lực ảo
Nếu không khắc phục “chứng bệnh nỗ lực ảo”, bạn sẽ khó thành công trên con đường phía trước. Bạn cần hiểu rõ bản thân đang cần gì, đang phù hợp với hoàn cảnh như thế nào, cần hành động ra sao để không ôm quá nhiều việc cùng một lúc. Điều này sẽ làm giảm các áp lực vô hình cho bản thân. Bạn có thể thực hiện một số biện pháp khắc phục bệnh nỗ lực ảo sau đây:
- Đầu tiên, hãy chia nhỏ mục tiêu
Chấn chỉnh lại bản thân bằng cách lập ra bản kế hoạch sau đó chia nhỏ các mục tiêu (hàng giờ, hàng tuần, hàng tháng). Bạn cũng có thể áp dụng phương pháp SMART để đặt ra những mục tiêu hiệu quả cho bản thân. SMART là viết tắt của 5 tính chất mà một mục tiêu phải có: cụ thể (specific), tính toán được (measurable), có khả năng thực hiện (achievable), phù hợp (relevant), và kiểm soát thời gian (time-bound). Ví dụ như một tuần đọc sách 4 lần mỗi lần 30 phút – 1 tiếng và có thể linh hoạt thời gian. Điều này sẽ giúp bạn thực hiện được mục tiêu nhanh hơn.
- Hiểu được mục đích dùng Mạng xã hội của bạn
Mạng xã hội là nơi giúp chúng ta giải trí và là công cụ kết nối mọi người hiệu quả. Nhưng những điều thú vị và hấp dẫn đó như một con dao hai lưỡi, sinh ra những chất gây nghiện làm chúng ta xao nhãng công việc. Do vậy, hãy loại bỏ những thứ tiêu cực đó và đừng để mạng xã hội chiếm lấy hết thời gian của bạn. Bạn nên tự vạch ra giới hạn cho thời gian sử dụng mạng xã hội trong một ngày của mình để kiểm soát thời gian một cách tốt hơn!
- Và cuối cùng, đừng mắc bệnh trì hoãn
Bạn nên nhớ “Hai thứ không thể lấy lại được đó là thời gian và cơ hội”. Hãy suy nghĩ xem bạn có thực sự bận rộn đến thế không? Hay do bạn quản lý thời gian chưa tốt? Suy nghĩ mai hãy làm hay căn bệnh trì hoãn sẽ khiến bạn tụt lùi về sau, đứng yên một chỗ để thời gian và cơ hội vụt mất. Tuổi trẻ trôi qua rất nhanh, chẳng dừng lại để đợi bạn. Đừng để nỗ lực ảo chi phối. Hãy biến những nỗ lực ảo đấy thành hiện thực!
Trên đây là bài viết về nỗ lực ảo của DSA, hy vọng bài viết sẽ giúp bạn “bắt mạch” được căn bệnh này nếu đang mắc phải và có thể từng bước loại bỏ nó một cách thành công. Nếu có những áp lực khó nói trong học tập, công việc hay cuộc sống và không biết chia sẻ cùng ai. Đừng ngại liên hệ với Phòng hỗ trợ và chăm sóc người học (DSA) để được tư vấn một cách tận tình nhé!
Tài liệu tham khảo:
Lan Võ, Nỗ lực ảo: Khi sự cố gắng chỉ là cảm xúc nhất thời và hết! (2021). link
C.C. Moldovan, Virtual Effort: An Advanced User Interface that Combines Various Visual Information with a Kinetic System for Virtual Object Manipulations (2013). link
Tiffany Luong, Studying the Mental Effort in Virtual Versus Real Environments (2019). link
Trần Thị Hoài Thương, YBox, Nỗ lực ảo – Căn bệnh (2021). link
Sương Jena, Nỗ Lực Ảo? Cách Khắc Phục “Căn Bệnh” Của Giới Trẻ Hiện Nay (2021). link
Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học