Upwork là một trong những nền tảng nổi tiếng dành cho những người yêu thích sự tự do và làm việc không giới hạn, đặc biệt phù hợp với những bạn sinh viên đang tìm một công việc bán thời gian với mức lương tốt. Để tìm hiểu thật chi tiết cách sử dụng Upwork thật hiệu quả, hãy cùng điểm qua một số đặc điểm đáng chú ý ngay sau đây nhé!

 

Từ Elance-oDesk đến Upwork

Upwork là nền tảng làm việc tự do có trụ sở tại Mỹ, được thành lập vào năm 2013 với tiền thân là Elance-oDesk sau khi hợp nhất Elance Inc. và oDesk Corp và được đổi tên thành Upwork vào năm 2015. Dù chỉ mới nổi lên tại Việt Nam trong những vài năm gần đây nhưng Upwork đã và đang được các bạn trẻ đón nhận một cách nhiệt tình vì vẫn còn nhiều tiềm năng nghề nghiệp lớn chưa được khai phá hết.

 

 

Upwork được thành lập vào năm 2013 với tiền thân là Elance-oDesk

 

Nếu bạn là người yêu thích sự tự do, không muốn làm việc theo giờ hành chính, Upwork chính là kênh phù hợp dành cho bạn. Tại đây bạn có thể tìm thấy những việc làm không cố định về thời gian. Điều quan trọng nhất khiến Upwork trở nên thành công và doanh nghiệp chú ý chính là các tính năng và yêu cầu riêng của nền tảng giúp người lao động đảm bảo được tiến độ, chất lượng công việc. 

Upwork cung cấp đa dạng ngành nghề từ Marketing, kế kiểm đến phân tích dữ liệu. Ở thời điểm hiện tại, Upwork chính là thị trường dịch vụ tự do lớn bậc nhất thế giới với hơn 18 triệu Freelancer kết nối, tìm kiếm công việc và hơn 5 triệu khách hàng doanh nghiệp. Mỗi năm, Upwork kết nối hơn 1 triệu việc làm với tổng giá trị lên tới hàng tỷ đô la Mỹ. 

 

Có vô vàn sự lựa chọn về ngành nghề từ Marketing, biên phiên dịch cho đến phát triển phần mềm trên Upwork.

Cách thức hoạt động của Upwork

Là nền tảng cho phép khách hàng tương tác và làm việc với các freelancer, Upwork sẽ giúp khách hàng tạo mô tả công việc của họ và định mức giá mà họ sẵn sàng trả freelancer hoàn thành công việc đó. Khách hàng có thể mời các freelancer cụ thể nộp đơn hoặc đăng công việc cho bất kỳ freelancer nào quan tâm đến ứng tuyển. Sau đó, khách hàng sẽ xem xét hồ sơ và thứ hạng của các freelancer hoặc trò chuyện trực tiếp để đặt câu hỏi. Sau khi khách hàng tìm được người ưng ý, họ sẽ gửi cho freelancer đó một hợp đồng với số giờ đã định, mức lương và thời hạn hoàn thành công việc.

Nhìn chung, việc tham gia Upwork sẽ giúp người lao động kết nối được với các công ty nước ngoài, mức thù lao nhận được sẽ cao hơn so với những công ty, doanh nghiệp tại Việt Nam và mở ra nhiều cơ hội lớn để phát triển sự nghiệp.

 

Xây dựng hồ sơ cá nhân nổi bật là chìa khóa để tạo sự chú ý từ doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, nền tảng nào cũng có luật chơi riêng. Upwork kiếm lợi nhuận bằng cách thu 10% phí của Freelancer và được tính cho khách hàng. Các khoản phí khác sẽ được tính khi Freelancer rút tiền. Phí rút tiền của Upwork là 2,50 USD và yêu cầu số tiền rút tối thiểu là 20$. Để tiết kiệm số tiền này, một số freelancer đã cố tình giao kèo với khách hàng để thanh toán qua Paypal/thẻ VISA hoặc thẻ tín dụng. Tuy nhiên, nếu Upwork phát hiện ra hành vi này, tài khoản của bạn sẽ bị cảnh cáo như khóa tài khoản cá nhân hoặc bị liệt kê vào danh sách đen.

Bên cạnh đó, một số chính sách của Upwork khá khắt khe, các bạn cần phải lưu ý kỹ để tránh những thiệt hại không đáng có. Một số tài khoản dễ dàng bị khóa để kiểm duyệt và thường làm lãng phí rất nhiều thời gian. Thế nên, hãy đảm bảo rằng mình đã nắm rõ các chính sách cộng đồng của Upwork để không bị hệ thống “ghé thăm” nha.

Kinh nghiệm dành cho “tấm chiếu mới”

Đối với những bạn mới bắt đầu tham gia cộng đồng Upwork, đặc biệt là sinh viên, thì kinh nghiệm của những người đi trước sẽ là một trong những hành trang hữu dụng dành cho các bạn. Nếu các bạn thử sức làm các công việc full-time trên nền tảng, bạn cần sắp xếp linh động thời gian của mình để tối ưu được thu nhập trong lúc vẫn cân bằng được với cuộc sống. Nếu như bạn chỉ muốn trải nghiệm nền tảng bằng các công việc bán thời gian, bạn nên quản lý thời gian hiệu quả và dành từ 5 đến 10 tiếng/tuần cho công việc trên Upwork. Vì nếu ít hơn, nền tảng sẽ đánh giá hồ sơ không hiệu quả và thu hẹp các cơ hội của bạn đến nhiều dự án khác. 

Bên cạnh đó, hãy tận dụng tối đa các tính năng của nền tảng để có thể tiết kiệm thời gian của mình và kiếm được công việc phù hợp nhất. Bỏ túi ngay những kinh nghiệm hữu ích ngay bên dưới nhé!

  • Dùng chức năng lưu trữ tìm kiếm (save search) để có thể thông báo những công việc trong lĩnh vực mạnh của mình và đấu thầu (bid) công việc càng sớm càng tốt, tránh để quá lâu làm mất cơ hội.
  • Nên chia số lượng đấu thầu ra thành từng ngày. Mỗi tháng sẽ có 60 lượt đấu thầu (bid job) ,việc chia ra như vậy còn tăng thêm cơ hội tìm được việc tốt của bạn. Lưu ý là không nên đấu thầu quá nhiều công việc cùng lúc để tránh trễ nải deadline, dẫn tới chất lượng sản phẩm không như thỏa thuận ban đầu và bị khách hàng đánh giá kém. Điều này rất dễ khiến cho tài khoản của bạn bị khóa vì không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. 
  • Đọc thật kỹ những yêu cầu của khách hàng và thực hiện theo những gì họ muốn để tăng tỷ lệ nhận việc.
  • Cố gắng giữ mối quan hệ tốt với những khách hàng cũ để tăng cơ hội kiếm những công việc tốt hơn và nhận được nhiều phản hồi tốt.

Nếu nắm rõ được nền tảng Upwork, bạn sẽ có cơ hội làm việc cho những công ty, tập đoàn lớn trên thế giới, học hỏi thêm kinh nghiệm, trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân. Trên đây là một chia sẻ về sơ lược Upwork, cách thức hoạt động, kinh nghiệm làm việc và một số lưu ý về chính sách cộng đồng của Upwork. Hy vọng những thông tin này có thể giúp đỡ cho các bạn nhiều hơn ở những bước chân đầu tiên trong việc gia nhập nền tảng này! 

 

Bên cạnh đó, DSA luôn đồng hành cùng bạn trong quá trình học hỏi, phát triển bản thân bằng các khóa học phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc cũng như cung cấp các nền tảng giúp bạn tìm được công việc phù hợp cho bản thân. Trải nghiệm công việc trên Cổng thông tin việc làm UEH hay luyện tập, nâng cao khả năng tiếng Anh tại các chương trình giao lưu Công viên tiếng Anh – UEH English Zone cũng là một cơ hội để rèn dũa kỹ năng và giúp mở ra nhiều cơ hội! Hãy cùng khám phá để có thêm nhiều cơ hội phát triển bản thân trong mùa hè này, bạn nhé.

Tin, Ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học

Tài liệu tham khảo:

 

Pawel Popiel (2017), “Boundaryless” in the creative economy: assessing freelancing on Upwork, https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/15295036.2017.1282618.

Say Linux (2017), Những kinh nghiệm làm Freelancer trên Upwork, https://saylinux.vn/2017/10/01/nhung-kinh-nghiem-lam-freelancer-tren-upwork/.

Trần Đăng Sơn (2022), Cách kiếm tiền từ Upwork từ A→Z cho người mới bắt đầu, https://reviewinvest.com/cach-kiem-tien-tu-upwork/.

Hotline