Trong những năm trở lại đây, đề tài “nữ quyền” dường như đã quen thuộc và được bàn luận sôi nổi trên những trang báo thời đại, nhưng liệu phong trào ấy đã len lỏi đủ sâu? Hay vẫn còn những sự phân biệt, những tiêu chuẩn kép đặt lên người phụ nữ ngày nay trong cả công việc, cuộc sống, quyền học tập, quyền sinh sản và quyền con người. Thậm chí, có những nhận định, nghi vấn cho rằng phụ nữ đang đòi “quyền thượng đẳng”. Hay chỉ phụ nữ hay người chuyển giới mới nên ủng hộ nữ quyền? Vậy trên cương vị là một người nam hợp giới, liệu bạn có được và có nên ủng hộ nữ quyền?
Theo Merriam-Webster, thuật ngữ người hợp giới (cisgender hay cis) được dùng để chỉ những người có bản dạng giới đồng nhất với giới họ được chỉ định sau sinh. Vậy một người nam hợp giới hay một người đàn ông hợp giới nghĩa là bạn sinh ra với cơ thể được chỉ định là nam và bạn tự nhìn nhận bản thân mình là nam.
Trên thực tế, những định kiến sai lầm và bảo thủ đến từ phía nam hợp giới như “Chỉ có những đứa “ẻo lả” mới ủng hộ nữ quyền” hay “Thời đại này là bình đẳng rồi, phụ nữ đang cố đòi quyền hơn đàn ông”, “Phụ nữ ủng hộ nữ quyền là đang thù hận, căm ghét đàn ông” khá phổ biến. Tuy nhiên, bất cứ ai cũng có thể ủng hộ phong trào nữ quyền, chỉ cần bạn có niềm tin vào sự bình đẳng ở mọi giới về kinh tế, chính trị và xã hội bất kể màu da, dân tộc, tầng lớp xã hội và xu hướng tính dục (femismisequality, 2021).
Phần giải thích trên có lẽ đã thỏa mãn cho câu hỏi liệu nam giới có được ủng hộ nữ quyền. Tiếp sau đây sẽ lý giải vấn đề: “Một người nam hợp giới có nên ủng hộ nữ quyền hay không?”
Theo thống kê của UNESCO, 75% những trẻ em chưa từng được đến trường là trẻ em gái, 73% các nữ nhà báo đã từng bị bạo lực mạng, 514 triệu người phụ nữ mù chữ. Thêm vào đó, phụ nữ được ước tính chỉ có thể làm ra 84 cents trong khi con số đó của đàn ông là 1 đô la (UNESCO, 2019). Tại Việt Nam, gần 2/3 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 – 64 đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực về thể chất, tình dục, tinh thần (cảm xúc và hành vi kiểm soát) và/hoặc bạo lực kinh tế bởi chồng/bạn tình (UNFPA, 2019), dịch Covid-19 cũng làm cho tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ giảm sâu hơn so với nam giới, khiến chênh lệch theo giới tăng lên 10,8% (ILO, 2021). Những con số trên đã phơi bày thực tế trần trụi rằng bất bình đẳng giới đang ảnh hưởng sâu sắc đến quyền được học tập, quyền lao động và quyền con người của phụ nữ. Họ đã, đang mất đi những quyền căn bản nhất của con người. Vì vậy, khi bạn đấu tranh đồng hành cùng nữ quyền, không có nghĩa là bạn đang hạ thấp hay hạn chế quyền lợi của nam giới, bạn chỉ đang lên tiếng để tất cả các giới đều có quyền như nhau ở tất cả mọi lĩnh vực. Bạn ủng hộ việc cả hai giới đều có được quyền học tập đầy đủ, có quyền được làm bất cứ ngành nghề nào họ muốn, có thể tự lập, có thể tranh cử,…
Benedict Cumberbatch lên tiếng để tất cả các giới đều có quyền như nhau ở tất cả mọi lĩnh vực trong chiến dịch The Feminism Issue của tạp chí ELLE (Nguồn:ELLE UK)
Có thể nói rằng việc có được một xuất phát điểm thuận lợi hơn so với chị em phụ nữ khiến đàn ông chưa có một cái nhìn chính xác và toàn cục về những việc mình cần và có thể làm để giúp đỡ phong trào nữ quyền. Những định kiến gây ra sự hạn chế trong quyền lợi, vị thế xã hội cũng như cơ hội việc làm của phụ nữ đang có vẻ chưa thực sự hiện rõ trong nhận thức của cánh đàn ông. Tuy nhiên, miễn là họ – những người đàn ông có thể hiểu được rằng việc ủng hộ và đấu tranh cùng phong trào nữ quyền là để hướng đến một thế cân bằng nên có, đồng hành cùng phong trào nữ quyền sẽ không còn là một thử thách.
Trong nhiều năm trở lại đây, nữ quyền dường như đã có những bước chuyển mình đáng kể, và đáng chú ý nhất có thể nhắc đến việc bộ máy chính quyền nhiều quốc gia đã có những động thái cụ thể để khẳng định và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nữ giới. Một ví dụ thiết thực có thể nhắc đến là nghị định 125/2021/ NĐ-CP được nhà nước Việt Nam ban hành để xử phạt các hành vi vi phạm yếu tố bình đẳng giới ở hầu hết mọi lĩnh vực kéo dài từ chính trị, kinh tế, xã hội cho đến văn hóa, thể thao và gia đình,… Điều này cũng một phần khẳng định sự ủng hộ của nam giới trong phong trào nữ quyền đã gặt hái nhiều quả ngọt. Những người nam hợp giới cần biết rằng khi người phụ nữ nói “không sao” không có nghĩa là nó không ảnh hưởng gì, vì phụ nữ cũng có thể mang định kiến giới với phụ nữ hay những người không hợp giới thực ra cũng có những suy nghĩ chưa đúng về nữ quyền và bình đẳng giới.
Cuối cùng, một người nam hợp giới đấu tranh cùng nữ quyền vì biết rằng điều đó không lấy đi thứ gì của anh ta mà đang trao đi quyền, sự bình đẳng, cơ hội và tự do cho tất cả mọi người.
Bước đầu tiếp cận nữ quyền dưới cương vị là một người nam hợp giới bạn có thể bổ sung cho mình một số kiến thức để đứng vững hơn trên hành trình này. Bạn có biết về các thuật ngữ manosphere, male gaze, toxic masculinity hay mansplaining không? Đầu tiên là “manosphere” – thuật ngữ lần đầu xuất hiện vào năm 2009 dùng để chỉ một tập hợp những kênh thông tin đại chúng (youtuber, subreddit, website, sách, người nổi tiếng,…) ủng hộ nam tính độc hại, tư tưởng thù ghét phụ nữ và phản nữ quyền (Menback, 2022). Văn hóa của manosphere ít nhiều bắt nguồn và được ảnh hưởng bởi các văn hóa phẩm đại chúng. Trong đó, những bộ phim có “một nhân vật nam chán ghét tình trạng xã hội và quyết định thanh tẩy xã hội” như Taxi Driver, American Psycho hay Joker trở thành một biểu tượng của sự “nam tính”. Lợi dụng sức ảnh hưởng lớn của các bộ phim này, manosphere cho rằng xã hội đang biến chất và các cuộc đấu tranh giành bình đẳng đang hạ thấp vị thế của nam giới.
Còn “Male gaze” (nhãn quan nam giới) miêu tả cách đàn ông dị tính nhìn phụ nữ theo xu hướng tính dục hóa, thường xuất hiện trong những hình ảnh nghệ thuật thị giác và truyền thông. Phụ nữ không còn là một chủ thể mà thay vào đó là một vật thể thụ động (Vietcetara, 2021). Thuật ngữ này bắt nguồn từ năm 1975 khi học giả và nhà làm phim Laura Mulvey cho rằng sự thống trị của male gaze trong phim ảnh có gốc rễ ở căn bệnh “scopophilia” – khoái cảm từ việc ngắm nhìn. Điều này ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách phụ nữ nhìn bản thân mình, họ nhìn bản thân qua ánh mắt của một “người đàn ông tưởng tượng” bởi họ ngầm ý thức rằng mình đang được nhìn bởi nam giới.
Nữ diễn viên Megan Fox bị đối xử như một “bình hoa di động” trong toàn bộ bộ phim Transformer (Nguồn: Transfomer)
Tiếp theo, đến với thuật ngữ “Mansplaining”, theo Merriam-Webster, cụm từ này dùng khi một người đàn ông giải thích cho phụ nữ về một chủ đề nào đó theo một cách coi thường rằng cô ấy không có kiến thức gì về nó cả. Nói cách khác, đây là cuộc độc thoại của đàn ông khi người phụ nữ bị “tắt tiếng” và coi thường về tri thức. Dù đã gây ra tranh cãi về việc liệu cụm từ này đang nêu lên định kiến hay tạo ra định kiến, theo nhà văn nữ quyền Erynn Brook, mansplaining đang nhấn mạnh sự bất bình đẳng giữa nhóm ưu thế và thất thế, cụ thể là giữa nam và nữ. Thuật ngữ xuất hiện để nâng cao nhận thức về định kiến hơn là chĩa mũi rìu vào một giới cụ thể. Vì thế, nó không gạt đàn ông khỏi cuộc trò chuyện mà thậm chí còn xóa bỏ “tính nam độc hại” khi họ không cần cố để “biết tuốt.”
Cuối cùng, là thuật ngữ “Toxic Masculinity”, được xuất hiện lần đầu tại một phong trào dành cho nam giới vào những năm 1980 khi những đợt sóng của nữ quyền đang nổi lên mạnh mẽ. Lúc này, những giá trị hay định nghĩa mà nam giới từng tự hào, cho đó là quy chuẩn của sự nam tính lại đi ngược lại với quyền lợi và cơ hội của phụ nữ. Kết quả là nhiều nam giới cảm thấy lạc lõng và vô định với vai trò của mình trong xã hội, thậm chí trở thành thái độ gay gắt với hi vọng lấy lại những giá trị cũ, dẫn đến hành vi quá khích. Phong trào của Shepherd giúp nam giới hiểu về vai trò mới của mình trong xã hội và thoát khỏi những quan niệm độc hại về nam tính. Nam tính độc hại được nhiều người tin rằng được cấu thành từ ba nền quan niệm: mạnh mẽ: đàn ông phải khỏe mạnh về thể chất, chai lì về cảm xúc và hung hăng trong hành vi; không có tính nữ (Antifeminity): đàn ông không được có bất kỳ điều gì được xem là nữ tính, như thể hiện cảm xúc hoặc đồng ý nhận sự giúp đỡ; quyền lực: đàn ông phải đạt được quyền lực và địa vị, trong tài chính và xã hội, thì mới có được sự tôn trọng từ người khác (Vietcetara, 2022).
Vậy khi là sinh viên, chúng ta có thể làm gì để ủng hộ nữ quyền? Bước đầu, bạn nên lên tiếng khi những người bạn của mình dùng những từ ngữ hạ thấp giá trị của phụ nữ, coi phụ nữ, các bạn gái như một món hàng, một miếng mồi. Tiến xa hơn nữa, bạn có thể cung cấp những kiến thức này đến cho những người bạn của mình, thúc đẩy họ trở thành một công dân toàn cầu, biết đấu tranh vì một thế giới bình đẳng và tự do hơn.
Trong khuôn khổ bài viết, chúng mình chỉ có thể đưa bạn qua một số vấn đề, thuật ngữ phổ biến trong phong trào nữ quyền. Còn nhiều các khía cạnh, lĩnh vực khác bạn có thể tìm hiểu thêm về phong trào của thời đại này tại một số bài viết, trang thông tin như: Vietcetara, feminisimisequality, The Papillon, Tổ chức Thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam VOGE.
Phong trào đấu tranh vì nữ quyền không giới hạn bất cứ giới tính, màu da, dân tộc, giai cấp hay tầng lớp nào tham gia. Bạn nên tự hào, dõng dạc về niềm tin của mình vào nữ quyền vì đó không chỉ mang một ý nghĩa vô cùng to lớn hướng phong trào gần hơn với mục đích của nó là bình đẳng và tự do giữa tất cả mọi giới, mà còn góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp, văn minh hơn.
Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học
Tài liệu tham khảo
Gender equality and education. (2019). UNESCO. Retrieved September 19, 2022, from https://www.unesco.org/en/gender-equality/education
Minh Anh. (2021, May 14). Male gaze hay là thành trì định kiến về nữ giới? Vietcetera. Retrieved September 23, 2022, from https://vietcetera.com/vn/male-gaze-hay-la-thanh-tri-dinh-kien-ve-nu-gioi
Kozicki, R. (2021). Feminism is Equality. Retrieved September 19, 2022, from https://feminismisequality.com/
Rose, E. (2017, July 30). How to be a feminist as a cis man. The Gayly. Retrieved September 19, 2022, from https://www.gayly.com/how-be-feminist-cis-man
Nghị định 125/2021/NĐ-CP. (2021, December 30). LuatVietNam. Retrieved September 23,2022,fromhttps://luatvietnam.vn/vi-pham-hanh-chinh/nghi-dinh-125-2021-nd-cp-chinh-phu-214945-d1.html?fbclid=IwAR2-x8vNqbYeB0_hJTeRKElbV1zcdcawuOYvncmbOxAWvuZXoNRbH6tlYRo
UNFPA Vietnam | Bình đẳng giới. (2019). UNFPA Vietnam |. Retrieved September 22, 2022,fromhttps://vietnam.unfpa.org/vi/topics/b%C3%ACnh-%C4%91%E1%BA%B3ng-gi%E1%BB%9Bi
Việt Đức. (2018, December 5). Cổng thông tin điện tử Bộ quốc phòng. Retrieved September22,2022,from http://www.mod.gov.vn/wps/portal/!ut/p/b1/vZPbbqMwEIafpQ9QYSBAculAOJlDsDnFN5UpKTngQiA0hKdftqpW2ou2N7v1XI30jb75R7JAhVygr-ztWLHrsXll9e-eqk8mDPByLUKwFE0AHFmKF57hSCCUZ2A3A7oF7YXmAbD0LAU40E7wKpJlAOXv5jMhB4sncgJdiO7n5l7q29TInSlZ4YAcQhHmZOgz6rK6is-1-xyzpEkH0kptxT
Nguyễn, L. (2022, September 15). Manosphere là gì? Vì sao Manosphere là văn hóa độc hại? Menback.com. Retrieved September 23, 2022, from https://menback.com/phong-cach-song/manosphere-la-gi-51552.html#1_Manosphere_la_gi
Đỗ, P. (2022, March 21). Toxic masculinity – Tính nam độc hại và áp lực mang tên “nam tính”. Vietcetera. Retrieved September 23, 2022, from https://vietcetera.com/vn/toxic-masculinity-la-gi
Thư Thư. (2022, July 28). Mansplaining – Khi giải thích là đam mê của đàn ông. Vietcetera. Retrieved September 23, 2022, from https://vietcetera.com/vn/mansplaining-khi-giai-thich-la-dam-me-cua-dan-ong