Vào khoảng đầu 2022, câu chuyện sử dụng hàng giả của cô nàng youtuber người Hàn Quốc nhanh chóng “lên xu hướng” trên các nền tảng mạng xã hội và kéo sự nghiệp của cô tuột dốc không phanh. Đây là một ví dụ cho thấy Gen Z đang cực kỳ quan tâm tới các thương hiệu thời trang cao cấp. Nhưng, liệu có sự khác biệt nào trong lối sống của Gen Z dẫn đến tâm lý mê hàng xịn và chê hàng giả trên? Hãy cùng DSA tìm hiểu trong bài viết này nhé.

 

Gen Z quan niệm như thế nào về hàng hiệu?

Gen Z và các thương hiệu thời trang nổi tiếng

 

Gen Z (thế hệ Z) là cụm từ dùng để chỉ nhóm người sinh trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 2012. Theo số liệu từ cục thống kê, tại Việt Nam, Gen Z đang chiếm khoảng 25% lực lượng lao động quốc gia, tương đương với khoảng 13 triệu người. Tác động của họ đến mọi phương diện trong cuộc sống đã đến thời điểm rõ nét nhất. Do đó, mọi lĩnh vực trong cuộc sống đều phải nỗ lực chuyển mình để phù hợp với thế hệ này, đặc biệt là ngành công nghiệp thời trang.

 

Trong 12 tháng vừa qua, nhu cầu mua hàng xa xỉ của Thế hệ Z (60%) và thế hệ Y(63%) đã vượt qua mức chi tiêu của Thế hệ X (46%), theo báo cáo mới nhất từ Klarna. Từ số liệu này có thể nhận xét, Gen Z sử dụng đồ hiệu đang ngày càng phổ biến. Các sản phẩm xa xỉ của các thương hiệu lớn được biết đến với chất liệu cao cấp, đẹp, bền và tạo ra sự thoải mái cho người dùng. Vì thế, việc Gen Z đầu tư cho bản thân một vài món đồ hiệu cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Bên cạnh đó, môi trường sống và lối suy nghĩ của thế hệ này cũng có sự khác biệt rất nhiều so với các thế hệ trước. Do đó việc chi tiêu vào các mặt hàng xa xỉ cũng trở nên quen thuộc hơn. 

Các thương hiệu thời trang cao cấp dần trở nên quen thuộc với Gen Z 

thông qua mạng xã hội (Nguồn: blackpinkofficial)

 

Tiên phong cho lối sống tận hưởng hay chỉ là sự đua đòi?

 

Đối với thế hệ Gen Z nói riêng, mong muốn “tự lo để tự do” có lẽ đã sớm hình thành, biểu hiện rõ nhất đó là rất nhiều bạn trẻ dù đang còn ở độ tuổi học sinh, sinh viên nhưng đã sớm có thể tự lập về tài chính của bản thân. Chính vì điều đó mà Gen Z cũng là thế hệ tiên phong trong lối sống tận hưởng và trải nghiệm. Họ không ngần ngại chi tiền để đầu tư hay tự thưởng cho bản thân những món đồ hiệu, những chuyến du lịch… và tất nhiên dám “chill” thì dám chịu, họ cũng là người chủ động chi trả cho những khoản này. 

Các mặt hàng xa xỉ đều có mức giá từ cao đến rất cao nên một bộ phận Gen Z không chỉ xem chúng như một phần thưởng sau những nỗ lực làm việc mà còn xem chúng như một thước đo nhằm khẳng định vị thế. Có thể thấy, hàng hiệu là thứ mà chủ nhân đầu tư cho ngoại hình của bản thân, cũng là đầu tư cho mức độ nhận diện của họ trong mắt người khác. 

Tuy nhiên đối với giới trẻ, đồ hiệu giống như một “con dao hai lưỡi”, bởi nếu không phân định được rõ ràng mục đích để tận hưởng hay chỉ là sự đua đòi, chứng tỏ bản thân với người khác, giới trẻ sẽ rất dễ biến bản thân thành con thiêu thân của các mặt hàng xa xỉ. Một số bạn trẻ cho rằng với những món đồ hiệu càng đắt tiền, trên người càng nhiều hàng hiệu, người dùng càng cảm nhận mình quan trọng, sang trọng và sành điệu. Vì thế không ít các bạn trẻ nhìn vào đồ hiệu để đánh giá người khác. Điều này tạo ra sự phân biệt tầng lớp nghiêm trọng trong Gen Z – thế hệ đang dần trở thành chủ nhân của đất nước. Khẳng định giá trị của bản thân  không phải là một điều xấu, tuy nhiên việc tạo giá trị thông qua vật chất là không bền vững, khi hình tượng sụp đổ, mọi người có thể quay lưng với họ ngay lập tức.

Người trẻ dễ dàng mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội (Nguồn: creatrip.com)

Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông, mạng xã hội đã tạo ra thói quen đua đòi chạy theo xu hướng của Gen Z. Trên nhiều kênh YouTube, Tik Tok,… các influencer, tiktoker đăng tải những nội dung như “luxury bag haul” (mua cùng lúc rất nhiều túi hàng hiệu rồi đánh giá chúng) và “unboxing hàng hiệu” (video “đập hộp” các sản phẩm đã mua) đã thu hút hàng triệu view. Các thương hiệu xa xỉ cũng tiếp cận Gen Z thông qua việc hợp tác với các ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng….

Trào lưu “luxury bag haul” và “unboxing hàng hiệu” thu hút hàng triệu view 

(Nguồn: Chloe Nguyễn)

Hiệu ứng marketing thông qua sự xuất hiện của sản phẩm trên người nổi tiếng đã tạo nên xu hướng thời trang. Các bạn trẻ mua các mặt hàng này để bản thân không bị “cũ” khi có xu hướng mới. Bên cạnh đó, đằng sau thói quen mua hàng xa xỉ của thế hệ Z là khát vọng thể hiện bản thân và áp lực đồng trang lứa. Nhiều người mua sắm hàng hiệu rồi đăng tải hình ảnh, video lên mạng xã hội là cách để khoe khoang sự giàu có của mình. Điều này vô hình làm những người khác dễ cảm thấy tự ti, áp lực. Từ đó, họ có thể tìm tới hàng giả – một vấn nạn đối với nền kinh tế.

    Việc không có hàng hiệu như mọi người xung quanh hình thành cảm giác hụt hẫng, tự ti

(creatrip.com)

Mê hay chê cũng đều có cách

Nghiện hàng hiệu nhưng tài chính có hạn.

Việc mua hàng hiệu là nhu cầu của mỗi người, tuy nhiên việc nghiện hàng hiệu trong khả năng tài chính không cân đối sẽ phát sinh nhiều hệ lụy. Nhiều Gen Z lâm vào tình trạng nợ nần khi vay mượn để mua đồ hiệu. Như tại Hàn quốc và một số quốc gia Châu Á khác, ngày càng nhiều người trẻ tạm gác lại chuyện dự phòng cho tương lai để tìm cách chiều chuộng bản thân ở hiện tại. Họ có thể dễ dàng mở thẻ tín dụng để chi tiêu thỏa thích, đôi khi làm một tiêu mười. Đại dịch COVID diễn ra dẫn đến quả bom nợ nần đang có nguy cơ “bùng nổ”. Trong thời kỳ dịch bệnh, không có nguồn thu nhập ổn định nhưng phải chi tiêu và trả nợ quá nhiều khiến nhiều người trẻ lâm vào tình trạng trầm cảm, thậm chí là tự tử.   

Việc không cân đối tài chính là nguyên nhân chủ yếu đối với nhiều người gánh nợ khi mua đồ hiệu. Nếu thực sự thích đồ hiệu, chúng ta có thể dành một khoản tiết kiệm nhỏ hàng tháng để mua. Tuy mỗi tháng góp tiền ít nhưng việc tiết kiệm nhiều tháng, nhiều năm có thể tạo cho bạn bất ngờ. Chúng ta nên xem đồ hiệu là món quà, phần thưởng cho bản thân sau quá trình làm việc chăm chỉ chứ không phải là thứ đem ra khoe khoang, đua đòi,… Việc cân đối tài chính của bản thân sẽ giúp Gen Z tránh được những trường hợp đáng tiếc như trên. Hãy để đồ hiệu phục vụ cuộc sống của chính mình thay vì phụ thuộc vào chúng bạn nhé.

Tìm cho mình những lựa chọn thay thế

Việc dùng những sản phẩm cao cấp giúp chúng ta thoải mái, tự tin hơn. Tuy nhiên nếu không đủ khả năng chi trả, chúng ta có thể thay thế bằng các thương hiệu local brand. Hiện nay có rất nhiều local brand được các bạn trẻ yêu thích từ quần áo đến phụ kiện, trang sức,… Thật là tuyệt khi vừa có thể mặc đồ chất lượng, vừa có thể ủng hộ các hãng thời trang của nước nhà.

Mua hàng hiệu cũ cũng là một cách vừa chống viêm màng túi, vừa bảo vệ môi trường. Với cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng nghiêm trọng, Gen Z ý thức và có xu hướng sẵn lòng chi tiền nhiều vào các sản phẩm chất lượng cao, bền bỉ và thân thiện với môi trường hoặc mua hàng hiệu cũ. Thật không quá khi cho rằng mua hàng hiệu cũ là một cách tiêu dùng thông minh mới. Thay vì chi tiền nhiều cho những sản phẩm của các thương hiệu xa xỉ thì giờ đây các bạn trẻ có thể dễ dàng sở hữu với một mức giá không hề “đau ví” thông qua các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Họ có thể tìm được đa dạng nguồn cung đồ hiệu chính hãng (authentic) đã qua sử dụng với tầm giá chỉ bằng 50% – 85% giá niêm yết. Mặt khác, sử dụng hàng hiệu cũ giúp giảm lượng rác thải ra môi trường. Chính vì vậy, trong bối cảnh cần phải tiết kiệm chi tiêu sau đại dịch thì việc mua hàng hiệu cũ đã trở thành xu hướng chính của người trẻ.

Nhìn chung, Gen Z ngày càng ưa thích dùng hàng hiệu. Tuy nhiên, các bạn trẻ nên có những nhận thức đúng đắn về nó để bản thân không phải gặp các rắc rối liên quan. Hy vọng bài viết sẽ mang đến cho bạn góc nhìn tổng quan về Gen Z và hàng hiệu. Cảm ơn bạn đã lựa chọn đọc bài viết đến lúc này. Hãy tiếp tục đồng hành cùng DSA và các bài viết thú vị trong các số sắp tới nhé.

Tài liệu tham khảo:

  • Tiêu điểm: Vay nợ để tiêu xài – Quả bom nổ chậm | VTV24:

https://vtv.vn/kinh-te/vung-tay-qua-tran-vay-no-de-tieu-xai-qua-bom-no-cham-trong-gioi-tre-chau-a-20200612100114922.htm

  • In Stores with ‘Millennials on Steroids’: Generation Z Shopping Habits:

https://www.bluestonepim.com/blog/in-stores-with-millennials-on-steroids-generation-z-shopping-habits

  • GenZ chơi…đồ hiệu??? | Zlife:

https://www.youtube.com/watch?v=d4e72HU0i7M&t=277s

  • Thế hệ gen Z “nắm giữ” tương lai tiêu dùng:

https://vneconomy.vn/the-he-gen-z-nam-giu-tuong-lai-tieu-dung.htm

  • Mua hàng hiệu cũ là một kiểu thông minh mới:

https://vietcetera.com/vn/mua-hang-hieu-cu-la-mot-kieu-thong-minh-moi

Hotline