Với nhịp sống thời đại 4.0 ngày càng tăng nhanh, con người ngày càng phải chịu áp lực từ nhiều “cơn nóng” cả từ mặt thể chất lẫn tinh thần. Mỗi người sẽ có những lựa chọn hay cách giải quyết cơn nóng khác nhau. Có người kiểm soát rất tốt khi có điều gì làm họ khó chịu tuy nhiên cũng có nhiều người lại có phản ứng tiêu cực và dễ bị chi phối bởi cơn bực tức. Vậy làm sao để xử lý được những cơn nóng giận để tránh được tình thế “giận quá mất khôn”, các bạn cùng DSA tìm hiểu nhé!

Rất nhiều người luôn trong trạng thái “cái gì cũng cáu”, vì sao nhỉ?

Chắc hẳn các bạn cũng không lạ lẫm gì với hình ảnh nhiều người có thể nổi giận chỉ vì một câu nói đùa bâng quơ, một tiếng ồn nhỏ, một cái va chạm, hay bực tức đến nỗi bật ra câu chửi chỉ vì trời nắng gắt hay đợi đèn đỏ quá lâu. Những cơn nóng giận xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau từ cọc cằn từ nét mặt đến lời nói, thậm chí là động chạm tay chân.

Nhiều người thường nóng giận mà không có lý do rõ ràng. (Nguồn: American Psychological Association)

Phần lớn mọi người thường gán cho việc “luôn luôn nóng nảy” ấy bằng lí do rằng họ đang “vội”, hay đang không vui nên dễ cáu gắt. Tuy nhiên, có rất nhiều tình huống gây ra sự dễ nóng giận:

Do tuổi thơ hoặc môi trường được nuôi dưỡng

Việc dễ dàng bày tỏ cơn nóng giận có thể bắt nguồn từ sự nuông chiều từ bé, khiến trẻ nhỏ lớn lên với một tư tưởng rằng việc chúng thể hiện sự tức giận của mình một cách hung hăng là điều hoàn toàn bình thường. Nếu không cảm thấy được giải tỏa cơn giận một cách lành mạnh, nó có thể trở thành một vấn đề lâu dài với nguy cơ dẫn đến một số căn bệnh tâm lý.

Tuổi thơ bất hạnh có thể hình thành nên tính cách cáu gắt của con người (Nguồn:Brains on)

Trải qua những tình huống xấu trong quá khứ

Những ám ảnh trong quá khứ khiến bản thân trở nên nhạy cảm với mọi thứ xung quanh. Ta trở nên dễ nổi nóng khi gặp lại những sự kiện tương tự hay có liên quan. Những cơn giận xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau và thậm chí trở nên khó kiểm soát. Ví dụ một người từng có tiền án bị lạm dụng sẽ cực kì nhạy cảm khi có ai nhắc đến những điều đó trước mặt họ và họ sẽ có thể nổi giận và hoảng loạn ngay tức thì.

Sức khỏe thể chất và tinh thần

Không đảm bảo chất lượng về mặt sức khỏe thể chất và tinh thần cũng là một trong các nguyên do khiến chúng ta dễ bứt rứt, khó chịu dẫn đến các cơn nóng giận. Về mặt thể chất, việc đảm bảo các buổi ăn, giấc ngủ và chế độ thể dục là vô cùng cần thiết. Đặc biệt là việc thiếu ngủ rất dễ dẫn đến trạng thái không tỉnh táo và dễ cáu gắt, gây ra các trạng thái ảnh hưởng khác về mặt tinh thần, càng dễ khiến cơn giận ở mức độ cao hơn.

Nóng giận, bực tức gây ra căng thẳng khó đi vào giấc ngủ. (Nguồn: Pinterest)

Trạng thái hiện tại chịu nhiều áp lực, căng thẳng

Nhiều người trở nên nhạy cảm, dễ nóng giận do gặp phải những áp lực chồng chất không thể giải tỏa, hay bị mắc phải những cú sốc lớn khiến cảm xúc bị chi phối nhiều. Họ nhận thức những điều đang diễn ra là không đúng nhưng cảm thấy bất lực và không thể giải quyết. Những dồn nén ấy trở thành một quả bom nổ chậm có thể bộc phát bất cứ lúc nào.

Bực tức, nóng giận dai dẳng lâu ngày có thể gây ra nhiều tác hại khôn lường.

  • Về mặt sức khỏe, nóng giận gây ra nhiều tổn hại cho sức khỏe.
  • Khi cơ thể chịu quá nhiều cảm xúc tức giận, tim được cho là chịu tổn thương nhiều nhất. Các vấn đề tim mạch và nguy cơ mắc bệnh mạch vành có thể tăng lên nếu sự tức giận xảy ra liên tục trong một thời gian dài.
  • Theo một nghiên cứu của Harvard, nổi giận còn có thể tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ trong vòng hai giờ, nguy cơ đau tim của một người tăng gần năm lần và nguy cơ đột quỵ tăng hơn ba lần.
  • Ngoài ra, nóng giận quá nhiều còn ảnh hưởng trực tiếp đến gan, phổi, dạ dày và cả hệ miễn dịch
  • Bên cạnh đó, nổi giận khiến não bộ nhanh chóng “già” đi bởi não phải chịu áp lực từ lượng huyết dịch tăng lên. Khi lượng huyết dịch trong não tỉ lệ nghịch với lượng oxy cần thiết, điều này gây hại cho não.

Tức giận thường xuyên ảnh hưởng trực tiếp về nhiều mặt sức khỏe của con người (Nguồn: Pinterest)

  • Về mặt tinh thần, thường xuyên trong trạng thái không ổn định, dễ dẫn đến cãi nhau, sứt mẻ các mối quan hệ, mất ngủ, lâm vào tình trạng suy kiệt và khó chịu dai dẳng. Cơ thể cũng sẽ mau chóng già đi, tăng tốc độ lão hóa.

Làm thế nào để là người chủ động điều khiển và giải quyết cơn nóng giận?

Nhận biết cảm xúc

Nhận biết khi nào mình đang nổi giận là bước quan trọng giúp quản lý cảm xúc của chính mình (Nguồn: Prudential)

Đầu tiên, hãy nhận ra rằng bạn đang trải qua cơn nóng giận. Nhận biết cảm xúc là bước đầu tiên để kiểm soát nó. Có thể thấy nhiều người hoàn toàn không nhận ra là họ đang nổi giận dù ai cũng nhận ra điều đó. Nhận biết và thừa nhận cảm xúc nóng giận đóng vai trò quan trọng để có thể điều khiển nó một cách hiệu quả.

Tập thư giãn bằng cách hít thở sâu, giữ nhịp thở đều đặn

Khi bạn nhận ra rằng mình đang trải qua cơn nóng giận, hãy tập trung vào các kỹ thuật quản lý cơn giận như hít thở sâu, thả lỏng cơ thể và thay đổi suy nghĩ để giúp đạt được tình trạng bình tĩnh hơn. Sau khi thư giãn tinh thần, bạn có thể tập trung suy nghĩ cặn kẽ lại vấn đề, nguồn cơn sự nóng giận, và đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Trình bày những nỗi lo của bạn một cách thông minh tinh tế, không mang ý công kích người đối diện, tạo được sự hòa khí sau cùng.

Điều khiển nhịp thở giúp giữ được trạng thái bình tĩnh trước sự việc.(Nguồn: Vinmec)

Tập dành thời gian nhắc nhở bản thân giữ bình tĩnh.

Hãy cho bản thân những khoảng nghỉ ngắn trong những lúc trong ngày có xu hướng căng thẳng. Một vài khoảnh khắc yên tĩnh có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn để đối phó với sự việc đang xảy ra mà không cáu kỉnh hay tức giận. Trong lúc nóng giận, ta rất dễ nói ra những điều có thể khiến ta hối hận. Hãy dành một vài phút để sắp xếp những suy nghĩ của bạn trước khi nói bất cứ điều gì.

Đánh giá tình huống và tìm các giải tỏa cơn nóng giận

Trước khi phản ứng, hãy đánh giá tình huống một cách khách quan. Cân nhắc xem liệu nó có xứng đáng để mất kiểm soát hay không. Tìm cách xả stress và giải tỏa cơn nóng giận một cách lành mạnh. Đó có thể là việc đi bộ, tập thể dục, viết nhật ký, nghe nhạc yêu thích hoặc thực hiện các kỹ thuật thư giãn như yoga và thiền.

Giữ bình tĩnh và điều khiển tốt cảm xúc để tránh những tình huống nóng giận bất đắc dĩ (Nguồn: Pinterest)

Thay đổi suy nghĩ và tìm kiếm sự hỗ trợ

Chúng ta nên luôn cố gắng suy nghĩ tích cực và lạc quan về tình huống. Thay vì tập trung vào những điều gây tức giận, hãy làm phân tâm bản thân bằng điều tích cực và tìm cách nhìn nhận vấn đề một cách khách quan. Nếu bạn thường xuyên gặp khó khăn trong việc kiểm soát cơn nóng giận, hãy xem xét tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia tâm lý hoặc các buổi diễn thuyết, tập huấn về vấn đề giải tỏa bản thân.

Lời nhắn nhủ

Hẳn rằng ai trong chúng ta cũng biết “cả giận mất khôn” tuy nhiên để kiểm soát tốt được cơn sân giận không phải là điều dễ dàng. Với những phương pháp DSA gợi ý, các bạn có thể cố gắng luyện tập nhiều hơn để đạt được hiệu quả tốt nhất. Mùa hè nóng bứt, hãy cùng với DSA giữ một cái đầu lạnh và một tâm thế luôn bình tĩnh để là người điều khiển cơn nóng trước khi bị nó điều khiển nhé!

Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA)

Tài liệu tham khảo

Bệnh viện 108. (n.d.). Thường xuyên TỨC giận Có hại Cho sức khỏe. Trang chủ – Cổng thông tin điện tử. https://benhvien108.vn/thuong-xuyen-tuc-gian-co-hai-cho-suc-khoe.htm

How to cope with anger. (2023, June). Mind. https://www.mind.org.uk/information-support/types-of-mental-health-problems/anger/managing-anger/

Mayo Clinic Staff. (2022, April 14). Anger management: 10 tips to tame your temper. Mayo Clinic. https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/adult-health/in-depth/anger-management/art-20045434

PsyD., M. R., & LPC. (2022, September 2). How to release anger: 11 healthy ways to let it out. Talkspace. https://www.talkspace.com/blog/how-to-release-anger/

RYAN, J. (2014, March 4). Angry outburst may trigger heart attack or stroke within two hours. CBS News – Breaking news, 24/7 live streaming news & top stories. https://www.cbsnews.com/news/angry-outburst-may-trigger-heart-attack-or-stroke-within-

Hotline