Theo báo cáo số liệu về thực trạng Quấy rối tình dục (QRTD) thông qua Nghiên cứu “Quấy rối tình dục trong thanh thiếu niên ở trường học” được tổ chức ActionAid và Quỹ Gia đình và Trẻ em Đài Loan (TFCF) thực hiện, có hơn 60% thanh niên thừa nhận đã bị QTRD ít nhất một lần, độ tuổi của các nạn nhân phần lớn là từ 4 tuổi đến 21 tuổi và gần 50% các nạn nhân gặp phải vấn đề về sức khỏe tinh thần sau khi bị quấy rối. Những con số khiến chúng ta phải dừng lại để suy nghĩ về vấn đề này cũng như những khó khăn mà nạn nhân QRTD phải vượt qua. Bài viết hy vọng sẽ giúp bạn xoa dịu những thương tổn không may gặp phải, biết thêm nhiều kiến thức liên quan và hướng dẫn bạn cách lựa chọn giải pháp phù hợp nhất cho chính bản thân khi gặp phải tình huống này.

 

  • Quấy rối tình dục học đường – không mới nhưng không cũ

Theo định nghĩa của Ủy Ban Cơ Hội Việc Làm Công Bằng Hoa Kỳ (EEOC), Quấy rối tình dục (Sexual Harassment) là việc thực hiện hoặc yêu cầu sự chấp thuận những hành vi, lời nói hay cử chỉ mang tính chất tình dục với người không mong muốn hoặc chấp nhận (Unwelcome Behavior) làm tổn thương đến danh dự và nhân phẩm người khác. Những hành vi đó có thể là đụng chạm vào cơ thể và những vị trí nhạy cảm trên cơ thể, nói đùa hay trêu chọc ngoại hình theo hướng tình dục hoá, nháy mắt và nhìn chằm chằm cơ thể người khác hay trao đổi lợi ích điển hình là họ hứa sẽ cho bạn một số lợi ích như làm bài hộ, tính điểm môn học cao nếu bạn cho họ được động chạm.

 


Đôi khi bạn không nhận ra rằng mình đang là nạn nhân của QRTD và kẻ xấu dễ dàng lợi dụng điều đó.

 

Một số hiểu lầm về hành vi quấy rối tình dục mà đôi khi bạn không hề nhận ra?

Q: Quấy rối qua lời nói hay bằng cử chỉ thì không thể tính là quấy rối vì “lời nói gió bay”? 

A: Các tình huống quấy rối có thể chia làm 3 loại: hành vi, lời nói và phi lời nói. Vì thế, dù có động chạm hay không động chạm đều tính là quấy rối, chỉ cần chúng có tính chất khiêu khích, xâm phạm đến cá nhân. Một số ví dụ cụ thể như các hành vi quấy rối qua lời nói (Catcalling) là khi nhận xét về quần áo, ngoại hình của một người ngay trước mặt họ một cách thường xuyên hay phi lời nói như nhìn chằm chằm vào cơ thể người khác, huýt sáo khi có người đi ngang.

Q: Chỉ có nữ mới bị quấy rối, còn nam mạnh mẽ như vậy thì sao lại bị quấy rối được?

A: Bản chất của quấy rối là làm tổn thương đến danh dự và nhân phẩm của người khác vì thế nên nam hay nữ đều có thể gặp phải vấn đề này. Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi xu hướng tình dục của con người dần được khai phá đa dạng hơn, nhiều trường hợp quấy rối khác đã xuất hiện như nam quấy rối nam, nữ quấy rối nữ, hoặc nữ quấy rối nam.

Q: Vì cách ăn mặc nên họ mới bị quấy rối? 

 

A: Không chỉ cách ăn mặc mà còn là ngoại hình hoặc có thể bạn đi vào nơi vắng vẻ có một mình và vô vàn lý do khác. Đây là hiện tượng tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân (Victim blaming), khi nạn nhân bị đổ lỗi cho sai lầm của người khác. Một triển lãm được tổ chức tại Brussels, Bỉ với tên “What were you wearing?”, nơi trưng bày những bộ quần áo mà các nạn nhân mặc khi bị quấy rối để nâng cao nhận thức cho cộng đồng rằng dù bạn có khoác lên mình trang phục như thế nào thì đó không phải lý do thực sự để kẻ xấu xa thực hiện hành vi của họ. Chúng ta nên nhớ, lỗi QRTD là đến từ người có ý định và thực hiện hành vi quấy rối, không phải là nạn nhân. 

 

  • Những cảm xúc chúng ta cảm nhận được, nhưng không phải luôn kiểm soát được

Đa số những trường hợp quấy rối sẽ xảy ra khá nhanh và nạn nhân sẽ rơi vào trạng thái hoang mang vì họ không chắc phải xử lý hay phản ứng như thế nào. Sau khi sự việc xảy ra nếu không phản ứng ngay lập tức thì tên xấu xa có thể đã đi mất. Nhưng một khi nạn nhân xác định được đó là hành vi QRTD thì những luồng suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực sẽ kéo đến. Theo chia sẻ từ một nạn nhân, đầu tiên họ sẽ cảm thấy tức giận, không chỉ tức giận hành động đáng lên án kia mà còn cả bản thân mình vì đã không phản ứng như mong đợi. Sau đó họ thấy hoài nghi và mặc cảm, có thể là do họ đã đi một mình nơi vắng vẻ, do hôm nay đã mặc một chiếc váy hơi ngắn hoặc do không mặc áo khoác đủ to và quần đủ dài để che đi cơ thể mình. Cuối cùng những cảm giác xấu hổ, tự ti thậm chí sợ hãi là những gì còn lại. 

 

Vậy thì những cảm xúc này có ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của nạn nhân không? Theo American Psychological Association (Hiệp hội Tâm lý học Mỹ), nạn nhân của QRTD có thể gặp phải các Phản ứng sinh lý như nhức đầu, thay đổi cân nặng không kiểm soát, mất ngủ và phản ứng tâm lý như trầm cảm, hoảng sợ, giận dữ. Tất cả những phản ứng này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống bình thường của nạn nhân qua các biểu hiện như mất động lực học tập và làm việc, thường xuyên vắng mặt, giảm hiệu suất hoạt động. Cuối cùng, họ có thể nghỉ học hoặc nghỉ việc nếu không được nhận hỗ trợ tư vấn tâm lý phù hợp.

Khi họ không còn tin tưởng vào thế giới xung quanh, họ đóng cánh cửa lòng mình lại và thu mình giữa bộn bề cuộc sống.

 

  • Phải làm gì nếu bạn hoặc ai đó bị quấy rối?

 

Bạn chọn im lặng

Nếu đây là lựa chọn của bạn thì khả năng cao câu chuyện này sẽ kết thúc, không ai biết đến sự việc mà bạn đã trải qua và nó sẽ dần đi vào quên lãng. Lựa chọn này sẽ giúp bạn không bị làm phiền bởi những câu hỏi tò mò hay cố ý khơi gợi câu chuyện đem đến cảm xúc muộn phiền cho bạn. Nếu bạn có thể kiểm soát cảm xúc của mình tốt và chủ động thì đây là một lựa chọn không tồi nhưng nếu người thực hiện hành vi vẫn tiếp tục hành vi quấy rối dù bạn đã từng góp ý với họ thì khi bạn tiếp tục im lặng sẽ đồng nghĩa rằng bạn đồng thuận với hành vi sai lệch đó và điều đó không tốt cho bạn về lâu dài.

 

Bạn chọn đứng lên và chống trả lại kẻ quấy rối

Ngay khi bị quấy rối bạn có thể lập tức phản kháng, đuổi theo, hô thật to để cảnh báo và làm mọi cách để mọi người đổ dồn sự chú ý đến tên quấy rối. Bạn không sợ những cặp mắt hướng về cả phía mình và tên xấu xa kia. Câu chuyện này của bạn có thể được ghi lại bởi những người chứng kiến và có thể xuất hiện trên các diễn đàn hoặc trang mạng xã hội. Nhưng đây có thể là bài học kinh nghiệm mà mọi người rút ra được thông qua câu chuyện của bạn và hơn thế nữa, nó sẽ trở thành động lực rất lớn cho những nạn nhân gặp khó khăn trong việc chia sẻ câu chuyện của riêng mình.

 

Bạn chọn chia sẻ 

Bạn không phản ứng lại ngay lập tức kẻ xấu xa nhưng đồng thời bạn cũng không muốn bản thân giữ im lặng. Vì bạn cho rằng mình không có lỗi và mình cần cho mọi người biết về những tình huống có thể gặp phải và bạn mong họ sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống. Bạn có thể chia sẻ với bất kỳ ai, dưới bất kỳ hình thức nào. Câu chuyện bạn chia sẻ có thể là một bài viết công khai hoặc ẩn danh. Hoặc đơn giản hơn là bạn chia sẻ nó bằng cách giao tiếp với những người bạn thân thiết, người thân trong gia đình, những người làm công tác tâm lý để chia sẻ câu chuyện và giải tỏa cảm xúc. 

 

Có rất nhiều giải pháp bạn có thể lựa chọn, và sự lựa chọn nào cũng đều đáng được tôn trọng.

 

Hãy để DSA đồng hành cùng bạn trong hoạt động chống Quấy rối tình dục học đường

Dù bạn lựa chọn phương án nào ở trên thì đến đây bạn vẫn có thể chọn thêm một phương án tuyệt vời không kém, đó là chia sẻ câu chuyện của mình đến Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học. Ngoài việc hỗ trợ các vấn đề liên quan đến việc học thì DSA cũng có các hoạt động chống quấy rối tình dục học đường, áp dụng với tất cả sinh viên và học viên đang theo học ở các bậc, hệ của UEH. 

DSA luôn là chỗ dựa tin cậy vì:
– Đảm bảo tất cả người học đều được chăm sóc và hỗ trợ như nhau dù lựa chọn cuối cùng của người học là gì.

– Tất cả thông tin về người học, về câu chuyện và về quy trình xử lý vấn đề, mọi thứ sẽ được đảm bảo bí mật (các đơn vị liên quan phụ trách sẽ cần nắm thông tin của người học để giải quyết triệt để vấn đề). Điều người học cần làm đó là mở lòng với chuyên viên tư vấn của DSA.

– Không chỉ hỗ trợ giải quyết vấn đề chính mà còn giúp bạn giải tỏa cảm xúc tiêu cực của bạn bằng cách chia sẻ và cảm thông.

– Theo quy tắc ứng xử dành cho người học của UEH và Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong phần Nhiệm vụ và quyền của sinh viên có nêu rõ về các hành vi sinh viên không được làm, cụ thể ở điều 6 khoản 1 là hành vi “Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người học của cơ sở giáo dục đại học và người khác”.

 

Vì vậy, DSA luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn vì đó là trách nhiệm bảo vệ một môi trường học đường lành mạnh cho tất cả người học.

Các chuyên viên tại DSA luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn trong mọi tình huống khi bạn cần.

Khi hành vi QRTD xảy ra, bạn phải luôn nhớ rằng đây không phải lỗi của nạn nhân và bạn không cần cảm thấy tệ hại hoặc hèn nhát khi lựa chọn bất kỳ phương án giải quyết nào, vì lựa chọn nào cũng đều có lý do và xứng đáng được tôn trọng. Từ ngày thành lập (28/10/2020) đến nay, DSA đã và đang đồng hành cùng người học trong các hoạt động chăm sóc và hỗ trợ từ vật chất đến sức khỏe tinh thần. Vì vậy, hãy xem DSA là địa chỉ tin cậy để bạn chia sẻ bất cứ khó khăn nào, đặc biệt là những vấn đề khó và tế nhị như QRTD. DSA luôn lắng nghe và đưa ra giải pháp để hỗ trợ bạn tốt nhất, thông qua các kênh sau đây: gửi email về hộp thư dsa@ueh.edu.vn, gọi đến số hotline 02873061976 hoặc đăng ký gặp tư vấn viên tại https://dsa.ueh.edu.vn/hoat-dong-tu-van/.

 

Cuối cùng, dù lựa chọn của bạn là gì, mong rằng bạn sẽ luôn yêu thương bản thân thật nhiều, tự tin là chính mình, luôn hạnh phúc và thành công.

 

Tin, Ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học

 

Nguồn tham khảo:

http://giadinh.bvhttdl.gov.vn/thai-do-cua-sinh-vien-doi-voi-hanh-vi-quay-roi-tinh-duc/

https://youmed.vn/tin-tuc/quay-roi-tinh-duc-va-bien-phap-de-doi-pho/

https://vietnam.actionaid.org/vi/news/2020/truong-hoc-khong-toan 

https://foodprocessorsinstitute.com/wp-content/uploads/FPSC-Sexual-Misconduct-Guide.pdf

Tác giả tranh minh hoạ: Phạm Ngọc Phương

Hotline