Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, giao tiếp liên văn hóa đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu đối với mỗi người công dân toàn cầu. Giao tiếp liên văn hóa không chỉ đòi hỏi sự hiểu biết về nhiều nền văn hóa, kỹ năng giao tiếp mà còn về khả năng nắm bắt thông tin nhạy bén. Đặt trong thời đại mà thế giới phẳng, hay thế giới không biên giới, dần trở thành xu hướng, giao tiếp liên văn hóa liệu có phải là một thử thách?
Đối với nhiều người học ngôn ngữ, việc tìm hiểu về văn hóa luôn nắm giữ một vai trò quan trọng trong việc trở nên thông thạo ngôn ngữ đó. Thậm chí, các nhà biên soạn văn bản hướng dẫn về việc học ngoại ngữ trong thời đại mới (Standards for Foreign Language Learning: Preparing for the 21st Century) cũng đã chỉ rõ “không thể thực sự nắm vững được ngôn ngữ cho đến khi đã nắm vững được các bối cảnh văn hoá mà ngôn ngữ đó xuất hiện”. Bởi chỉ khi nắm vững được văn hóa, người học mới có thể thấu hiểu các phong tục và hành vi của xã hội, để từ đó thực hiện giao tiếp một cách chuẩn mực và hợp lý.
Thấu hiểu được tầm quan trọng đó, ngày 10/01/2023, Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA) phối hợp cùng Khoa Ngoại ngữ UEH đã tổ chức buổi tọa đàm với chuyên đề “Intercultural Communication in Working Contexts: Stereotypes and practices” – “Giao tiếp liên văn hóa trong bối cảnh làm việc và thực tiễn” trong khuôn khổ hoạt động định kỳ Tọa đàm ngôn ngữ tại English Zone UEH với sự tham dự của thầy Vũ Ngọc Tùng, giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Lần đầu tiên đến với Tọa đàm ngôn ngữ tại Công viên tiếng Anh – UEH English Zone, thầy Vũ Ngọc Tùng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý giá cho người học, giúp người tham dự có cái nhìn toàn diện và trọn vẹn hơn về giao tiếp liên văn hóa trong từng môi trường khác nhau. Diễn giả chia sẻ, bởi tính đa dạng và phong phú của văn hóa, khi giao tiếp liên văn hóa, người học cần phải tôn trọng và thích nghi với những sự khác biệt.
Chính những sự khác biệt đó sẽ trở thành kinh nghiệm sống đầy quý báu hỗ trợ cho người học trong việc điều tiết các mối quan hệ trong cộng đồng đa văn hóa. Bên cạnh đó, người học cần thấu hiểu rằng giao tiếp liên văn hóa không chỉ để thông hiểu ý nghĩa, nội dung mà còn để thể hiện sự đồng cảm, thấu cảm với trạng thái của người nói. Để làm được điều đó, người học cần cải thiện dần tính nhạy cảm liên văn hóa theo mô hình thang đo được chia làm hai phần gồm “Ethnocentric Stages” – “Bản tộc trung tâm” và “Ethnorelative Stages” – “Bản tộc tương đối”. Đi dần theo thang đo, người đọc sẽ tìm thấy các biểu hiện từ trạng thái “phủ nhận” cho đến trạng thái “hội nhập”. Thông qua đó, người đọc có thể tự đánh giá và cải thiện bản thân tiến gần hơn đến trạng thái “hội nhập”.
Từng nội dung trong các thang đo được diễn giả phân tích chi tiết trong chương trình cũng như các phương pháp giúp người học cải thiện kỹ năng.
Song song đó, diễn giả đã chia sẻ thêm về mô hình năng lực liên văn hóa (Deardorff, 2003, 2009, 2012) giới thiệu với người học về quy trình từng bước trau dồi kỹ năng giao tiếp liên văn hóa. Đầu tiên, người học cần có một thái độ tôn trọng và tò mò đối với nền văn hóa mới. Tiếp đến, người học sẽ tìm hiểu thêm những kiến thức liên quan đến nền văn hóa đó bằng cách lắng nghe, quan sát, tìm các điểm chung với văn hóa của bản thân. Sau quá trình trên, người học sẽ trở nên thích nghi hơn, thấu cảm về nền văn hóa mới. Cuối cùng, từ những tích lũy trên, người học sẽ có thể giao tiếp liên văn hóa một cách đúng mực và phù hợp trong các trường hợp, môi trường cụ thể.
Tọa đàm đã diễn ra thành công và nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng đam mê học tập, cải thiện tiếng Anh tại UEH. Buổi tọa đàm đã diễn ra trong vòng 2 tiếng với bầu không khí vui tươi, tràn đầy tinh thần học hỏi và tích cực đóng góp của người tham dự. Với chủ đề tháng 1: “ Intercultural Communication in Working Contexts: Stereotypes and practices”, chương trình đã làm rõ về các phương pháp để giúp tăng cường năng lực giao tiếp liên văn hóa trong bối cảnh học thuật và thực tế. Bên cạnh đó, tọa đàm cũng giải đáp những thắc mắc, trăn trở của người tham dự về việc giao tiếp hiệu quả trong cộng đồng đa văn hóa. Dưới hình thức trực tuyến, người tham dự có thể gửi thắc mắc trực tiếp với diễn giả tại chương trình hoặc trực tuyến thông qua fanpage UEH English Zone. Hình thức này đã giúp gia tăng kết nối và mở rộng cơ hội học hỏi và trau dồi tiếng Anh đến với cộng đồng UEH.
Bạn có thể xem lại bản ghi hình của buổi tọa đàm tại đây.
Thông qua những chia sẻ của diễn giả, người tham dự đã có phần thảo luận và trao đổi rất sôi nổi về chủ đề
Nằm trong đề án Công viên tiếng Anh – UEH English Zone, Tọa đàm ngôn ngữ là hoạt động định kỳ của được tổ chức hàng tháng với nhiều chủ đề thiết thực giúp người học và viên chức sẽ từng bước cảm thấy hứng thú với việc học tiếng Anh, từ đó tạo thói quen và kích thích sự ham học hỏi trong nội tại mỗi người góp phần khẳng định và nâng cao giá trị bản thân trong môi trường hội nhập năng động như hiện nay.
Để đăng ký và tham gia vào chương trình tọa đàm ngôn ngữ sắp tới, hãy tương tác và theo dõi tại fanpage UEH English Zone để cập nhật những thông tin mới nhất về các chương trình.
Tài liệu tham khảo
https://js.vnu.edu.vn/FS/article/view/4184 https://www.researchgate.net/publication/320981062_NANG_LUC_GIAO_TIEP_LIEN_VAN_HOA_MOT_MO_HINH_DE_XUAT
Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học