Trong lịch sử khoa học, Galileo là người đầu tiên phát hiện ra Trái đất có hình cầu. Tuy nhiên, Thomas Friedman cho rằng thế giới ở thế kỷ 21, “Trái đất hình cầu là một sự thật địa lý. Còn thế giới là phẳng”. Nhận định này đã gây chấn động trong cuốn sách cùng tên Thế giới phẳng (The world is flat) nổi tiếng của ông. Một tựa đề nghe có phần mới mẻ và khiến người đọc tò mò, hãy cùng UEH tìm hiểu xem cuốn sách này có gì mà lại nổi tiếng đến vậy nhé!

 

Cuốn sách Thế giới phẳng (Nguồn: Truyện Audio)

Thời đại hội nhập hay toàn cầu hóa ngày nay đã trở thành một khái niệm vô cùng quen thuộc với tất cả mọi người. Tuy nhiên, ta mới được nghe và hình dung nó như một khái niệm trừu tượng. Cuốn sách Thế giới phẳng của Thomas Friedman sẽ đem tới những minh họa vô cùng sống động về hiện tượng toàn cầu hóa, và lời khuyên chúng ta cần làm gì để đối mặt với những thách thức cũng như tận dụng tối đa những cơ hội mà toàn cầu hóa mang lại.

Đôi nét về cha đẻ của tựa đề nổi tiếng 

Thế giới phẳng (The world is flat) là cuốn sách được viết bởi Thomas Friedman, một biên tập viên chuyên mục ngoại giao và kinh tế của tạp chí New York Times. Cuốn sách Thế giới phẳng của ông được xếp vào danh sách bán chạy nhất nước Mỹ, kể từ lần xuất bản đầu tiên vào tháng 4/2005 cho đến nay.

                                   Tác giả Thomas Friedman (Nguồn: NEULINK)

Thomas Friedman còn là tác giả của nhiều tựa sách bán chạy khác, điển hình là Cảm ơn vì đến trễ (Thank you for being late), Chiếc Lexus và cây Oliu, Từ Beirut Tới Jerusalem,…

Vì sao khẳng định “Thế giới phẳng”?

Thế giới phẳng là cuốn sách được các chuyên gia đánh giá là có nội dung đột phá khi đưa đến những yếu tố kinh tế mà chưa có cuốn sách nào nhắc đến. Thông tin trong cuốn sách Thế giới phẳng có thể là vấn đề môi trường, giáo dục, kinh tế, chính trị hay bất kỳ một vấn đề nào được nảy sinh trong thời kỳ công nghệ đang bùng nổ. Cuốn sách như được tác giả kể một câu chuyện, dẫn dắt từ từ qua những sự kiện thực tế theo thời gian chi tiết và lấy dẫn chứng từ nhiều bài báo kinh tế do các tác giả hàng đầu thế giới biên soạn để đem đến cho bạn đọc những thông tin gần gũi và dễ lĩnh hội nhất.

Theo tác giả, thế giới đang dần bị làm phẳng và Thế giới phẳng là cách gọi cho thời kỳ thế giới hóa hiện nay. Một thời kỳ mà những rào cản từ địa lý, văn hóa, tôn giáo,… đã giảm đi sự cách biệt, thay vào đó là sự bùng nổ của thời đại công nghệ số đã giúp thế giới phẳng hơn. Tức là khi con người có thể làm bất kỳ điều gì chỉ với một chiếc máy tính hay điện thoại thông minh có kết nối mạng. Thomas Friedman cũng làm nổi bật về lợi ích của thế giới hóa đối với con người là giúp mỗi chúng ta linh động hơn khi làm việc và tự tin hơn khi tạo lập các mối quan hệ.

Với độ dài gần 700 trang, cuốn sách Thế giới phẳng có cấu trúc chặt chẽ với 7 phần chính:

  1. Quá trình làm phẳng thế giới diễn ra như thế nào?
  2. Mỹ và thế giới phẳng
  3. Các nước đang phát triển và thế giới phẳng
  4. Các công ty và thế giới phẳng
  5. Bạn và thế giới phẳng
  6. Địa chính trị và thế giới phẳng
  7. Kết luận

Đọc sách Thế giới phẳng, bạn sẽ nhận ra được nhiều vấn đề mà thế giới phải đối mặt trong thời kỳ toàn cầu hóa như việc áp lực phải phát triển để theo kịp thế giới đối với những người trẻ. Theo tác giả, thế giới trong xu hướng toàn cầu hóa rất thú vị và đáng tự hào nhưng nó cũng tạo ra những thách thức mà chúng ta phải vượt qua để không bị đào thải.

Thế giới phẳng là một thế giới không có giới hạn (Nguồn: Redsvn.net)

Giới trẻ cần làm gì trong “thế giới phẳng”

Trong phần ba của cuốn sách, tác giả có những nhận định về các nước đang phát triển trong thế giới phẳng, bao gồm cả Việt Nam. Ông đưa ra những lời tự suy ngẫm cho các nước đặt câu hỏi: “Mình đang ở đâu trong mối quan hệ với các quốc gia khác và ở đâu so với thế giới?” Từ đó đem đến những gợi ý để phát triển đất nước thông qua những đổi mới và tiếp nhận văn hóa.

Ông cho rằng: “Thế giới hiện nay có hai loại công việc chính gồm công việc mang tính chất lặp đi lặp lại và công việc không thường nhật như luật sư, bác sĩ… Thách thức mới mà chúng ta phải đối mặt, đặc biệt là với thế hệ trẻ, là tạo ra công việc không có tính chất lặp lại, vì số lượng công việc ấy ngày càng hẹp đi, thậm chí đã có robot làm thay những việc ấy. Mỗi con người cần tạo ra cho mình một giá trị gia tăng độc đáo, chỉ có như thế thì mới có thể tồn tại trong thế giới có nhiều cạnh tranh như hiện nay”.

Từ đó, Thomas Friedman cũng đã đưa ra những lời khuyên cho giới trẻ – thế hệ làm thay đổi đất nước trong tương lai, những lời khuyên về tư duy trong thời đại mới: “Hãy sống và tư duy như những người dân nhập cư, với khao khát về thành công; tư duy như những người thợ thủ công, tạo ra sản phẩm đặc biệt và cung cấp các giá trị thặng dư cho chúng; tư duy như những doanh nhân khởi nghiệp, luôn tái suy nghĩ, học tập, thiết kế ra các sản phẩm mới và tư duy như những người phục vụ bàn, vừa cung cấp thêm giá trị vừa “động não” như chính những nhà kinh doanh”.

Khả năng học tập, so sánh và cạnh tranh trực tiếp ngày nay trên khắp bề mặt địa cầu đang trở nên mở hơn bao giờ hết, với thế hệ trẻ và những người nắm trong tay công nghệ hay cách thức để thành công. Hiểu được bản chất của toàn cầu hóa sẽ giúp chúng ta chủ động, tự tin hơn trong thời đại hội nhập. Đặc biệt là đối với các bạn sinh viên, biết được mình cần làm gì, học hỏi những gì và trang bị những kỹ năng nào từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là rất cần thiết để sẵn sàng bước ra thế giới, nơi mà cơ hội và thách thức được chia đều cho tất cả mọi người.

Các bạn sinh viên UEH cũng có thể cải thiện kỹ năng và khả năng hội nhập với thế giới thông qua các khóa học kỹ năng mềm, các buổi tọa đàm hay những chương trình giao lưu, trao đổi quốc tế mà UEH thường xuyên tổ chức. Nhà trường luôn tích cực xây dựng các hoạt động hỗ trợ người học hòa nhập đa văn hóa và giao lưu với doanh nghiệp, giúp sinh viên được tạo cơ hội tiếp xúc với môi trường quốc tế và giúp người học thích ứng, hòa nhập nhanh chóng với định hướng Từ sinh viên UEH trở thành công dân toàn cầu – Hành động vì sự phát triển bền vững.

Hoạt động định hướng cho tân sinh viên – Từ UEHer đến công dân toàn cầu

Ngoài ra, các bạn cũng có thể tìm kiếm những cơ hội việc làm “xịn sò” để sẵn sàng bước chân ra thế giới và trở thành những công dân toàn cầu tại website Cổng thông tin việc làm của DSA. Hãy tương tác và theo dõi tại fanpage Phòng Chăm sóc & Hỗ trợ người học – Department of Student Affairs UEH để cập nhật những thông tin mới nhất về các chương trình tiếp theo nhé!

Tài liệu tham khảo:

1. Review sách Thế giới phẳng

http://neulink.edu.vn/review-sach-quot;the-gioi-phangquot;—thomas-l.-friedman/816/208.html

https://revisach.com/review-sach-the-gioi-phang/

2. Tác giả “Thế giới phẳng”: 4 lời khuyên dành cho sinh viên Việt Nam

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/tac-gia-the-gioi-phang-4-loi-khuyen-danh-cho-sinh-vien-viet-nam-1400266670.htm

3. Hiểu được thế giới phẳng, bạn sẽ biết phải làm gì

https://plo.vn/hieu-duoc-the-gioi-phang-ban-se-biet-phai-lam-gi-post278362.html

Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học

Hotline