Trong thời đại công nghệ phát triển hiện nay, quấy rối tình dục (QRTD) đã và đang biểu hiện dưới nhiều lớp “vỏ bọc” nguy hại, dẫn đến việc nhiều nạn nhân không nhận thức được hoặc không dám lên tiếng. Cái mác “đùa thôi mà” được những người quấy rối bình thường hóa các hành vi quá trớn, thậm chí coi nhẹ vấn đề và đổ lỗi cho nạn nhân. Thông qua bài viết này, DSA hy vọng sinh viên, học viên UEH và người trẻ tỉnh táo trước vấn đề QRTD, vạch ra các ranh giới ngầm hiểu hay rõ ràng cho đối tượng mình tiếp xúc để bảo vệ bản thân.

Cơn ác mộng ở gần hơn chúng ta nghĩ

Dù cho rất nhiều bài báo, bài nghiên cứu hay cả những triển lãm chứng minh rằng việc bạn mặc gì, giới tính gì hoặc mang chức vụ nghề nghiệp như thế nào thì đều có thể trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục. Nhưng những rào cản trong văn hóa, tư duy và định kiến vẫn còn đó khiến cho phần lớn nạn nhân của QRTD chưa nhận được sự bảo vệ từ cộng đồng, xã hội. Khi nạn nhân chia sẻ câu chuyện của mình thì thường sẽ nhận được những câu hỏi phán xét và đổ lỗi như: “Chắc bạn phải ăn mặc thế nào mới bị như thế?” hay “Sao bạn đến chỗ đó một mình?”…

Trích bài đăng tháng 5/2023 trên trang Tammy tản văn đã thu hút nhiều sự chú ý và chia sẻ, đồng cảm từ cộng đồng mạng, với tiêu đề “Tôi có một bí mật…”, câu chuyện là lời tâm sự của nạn nhân QRTD khi lựa chọn im lặng và cất giữ nó như một bí mật, chôn sâu vào lòng, ngại chia sẻ với người khác. “Bố bạn tao đã cố gắng sờ đùi tao trong cả buổi sinh nhật của nó. Buồn cười nhất sau đấy mẹ nó lại cứ đòi đưa tao về vì sợ buổi tối đi đường nguy hiểm, trong khi người nguy hiểm nhất chính là chồng cô ấy”… “Biết mà. Mẹ em bảo em hãy cố giữ chuyện này như một bí mật, cất nó trong ngăn tủ của con”…

Bài viết nhận lại hàng nghìn lượt phản hồi và mỗi bình luận là một câu chuyện khác nhau.(Nguồn: Facebook Tammy tản văn)

Tại sao nạn nhân bị QRTD lại lựa chọn im lặng?

Một trong những lý do quan trọng khiến nạn nhân không lên tiếng ngay sau vụ việc là từ các định kiến và nỗi sợ hậu quả. Nạn nhân QRTD thường bị tâm lý hoài nghi, lúng túng, cảm giác đơn độc, họ không biết tìm ai, nơi nào để hỗ trợ họ. Những định kiến và nỗi sợ đã lấy hết dũng khí đấu tranh của nạn nhân. Việc bị đe dọa, trả thù hoặc những hậu quả tiêu cực như mất việc làm, mất danh dự, những ánh nhìn những lời dị nghị, đàm tiếu từ xung quanh “không có gió sao có bão” là những cảm giác sợ hãi khiến nạn nhân rơi vào một tình trạng đau đớn kéo dài, sống khép mình và không dám chia sẻ, vì sợ việc lên tiếng sẽ mang lại những hậu quả không mong muốn.

Bên cạnh đó, nỗi sợ hãi không được tin tưởng càng làm cho nạn nhân quyết định im lặng với câu chuyện của chính mình. Nạn nhân có thể lo ngại rằng họ sẽ không được tin tưởng hoặc lắng nghe khi lên tiếng. Trong một số trường hợp, để giữ “bộ mặt” cho gia đình, cho nhà trường, hoặc địa phương, những vụ xâm hại thường được tìm cách hoà giải hoặc bị bỏ qua rồi dần rơi vào quên lãng. Điều này góp phần làm tăng thêm sự tổn thương và gây ra sự nghi ngờ và mất lòng tin của nạn nhân.

Nạn nhân cũng có thể trải qua cảm giác xấu hổ và tự trách bản thân. Với những “câu hỏi cung” từ gia đình, bạn bè, họ có thể cho rằng bản thân đã làm gì đó sai, không đủ mạnh mẽ để đối mặt với tình huống hoặc không xứng đáng được tin tưởng. Những cảm giác này khiến nạn nhân QRTD không dám lên tiếng và trì hoãn việc tìm kiếm công lý. Tự trách và xấu hổ không chỉ tăng thêm sự tổn thương mà còn ảnh hưởng đến lòng tự tin và sự tin tưởng vào bản thân.

Nạn nhân QRTD bị đeo bám bởi nhiều nỗi sợ tinh thần (Nguồn: Behance)

Những bất cập về thủ tục hành chính, chế tài và pháp lý liên quan cũng là một trong những rào cản làm cản trở sự lên tiếng của nạn nhân QRTD. Hiện nay chưa có luật phòng chống QRTD mà chỉ mới áp dụng theo quy định tại Bộ luật lao động 2019, chế tài vi phạm xử phạt cho các hành vi QRTD cũng đang ở mức nhẹ nhàng chưa đủ sức răn đe đối tượng. Môi trường học tập, tùy các trường sẽ có mức chế tài khác nhau nhưng không vượt quá quy định thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế công tác sinh viên, học viên….

Việc bị quấy rối dường như đã bị xem nhẹ quá mức khi nhiều người còn cho đó chỉ là những trò đùa. Những lời nói, hành vi đầy ý sắc dục xúc phạm trực tiếp đến người bị hại nhưng rất dễ dàng được cho qua. Sự thiếu hiểu biết và nhận thức về QRTD, mất công bằng giới tính, định kiến, quan điểm lỗi thời, cũng như thiếu trách nhiệm và hệ thống pháp luật không đầy đủ là những lý do cốt lõi dẫn đến sự xem nhẹ này. Từ đó, khiến càng nhiều người lựa chọn im lặng với câu chuyện bị quấy rối của mình và dần tự đổ lỗi cho bản thân.

Hậu quả của sự im lặng đó đã lấy đi của nạn nhân rất nhiều thứ, các nghiên cứu cho biết trẻ bị xâm hại tình dục có thể tiếp tục bị người khác xâm hại trong suốt quãng đời còn lại. Nếu không thoát ra khỏi tình trạng đó và được hỗ trợ tích cực, những trải nghiệm bị xâm hại khi còn là một đứa trẻ sẽ khiến chúng tin rằng xâm hại là một phần của mối quan hệ hoặc tệ hơn đó là lỗi của chúng và đó là điều chúng phải chấp nhận. Có đứa lớn lên với những rối loạn tâm lý, sợ đám đông, sợ người khác giới, sợ những cử chỉ âu yếm, ghê sợ chính bản thân mình. Có những bé gái lớn lên vứt váy áo của nó đi, ăn mặc như đàn ông vì nghĩ sự nữ tính đã dẫn nó đến việc bị QRTD. Và tất nhiên, các bé trai cũng có thể là nạn nhân với những tổn thương hầu như chẳng bao giờ được nghe thấy.

Vậy làm sao để “cất tiếng nói”?

Cách tốt nhất để bảo vệ mình trước vấn nạn QRTD là chia sẻ. Khi chúng ta chia sẻ là lúc chúng ta dám đối mặt và nhìn sâu vào những tổn thương của chính mình, đó là lúc chúng ta bắt đầu hành trình tự chữa lành cho bản thân.

Trước tiên, để nạn nhân của QRTD đủ can đảm nói ra, chúng ta cần tạo ra một môi trường an toàn và tin cậy, một cộng đồng hỗ trợ, nơi mà luôn có người sẵn sàng lắng nghe, tin tưởng và không xem nhẹ hay đổ lỗi cho nạn nhân. Tạo ra không gian cho nạn nhân chia sẻ câu chuyện và biết rằng họ sẽ nhận được sự đồng hành và hỗ trợ từ những người xung quanh. Ở UEH, các bạn sinh viên hoàn toàn có thể tìm đến Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA) để chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía nhà trường. Luôn nhớ, UEH là cộng đồng an toàn mà ở đó người học luôn là chính mình, được tôn trọng, chăm sóc và bảo vệ.

Tham khảo bài viết Làm thế nào để đối phó với nạn quấy rối tình dục nơi học đường? của DSA để nhận diện hành vi QRTD và cách phòng tránh, bảo vệ bản thân trước nạn quấy rối xảy ra trong môi trường trường học.

Nạn nhân cần được trợ giúp và bảo vệ kịp thời (Nguồn:  Healthline)

Ngoài ra cần tăng cường giáo dục và nhận thức để xã hội nhận ra được mức độ quan trọng của vấn đề. Công chúng cần hiểu rõ về tác động và hậu quả của QRTD là vô cùng to lớn. Cần có thêm các chiến dịch với các quy mô cấp trường học, quận và thành phố để lan tỏa nhiều hơn các thông điệp liên quan. Bằng cách cung cấp thông tin chính xác và truyền đạt thông điệp “ngưng đổ lỗi”, chúng ta có thể khuyến khích nạn nhân chia sẻ câu chuyện và tìm kiếm sự hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc xây dựng mạng lưới hỗ trợ và tư vấn hiệu quả tại các trường học, cơ quan để những nạn nhân không phải đơn độc trong công tác phòng chống QRTD, qua đó chung tay đẩy lùi nạn QRTD. Việc tuyên truyền pháp luật cũng vô cùng quan trọng để giúp nạn nhân QRTD thấy được việc cần quyết liệt đấu tranh cho những hành vi sai trái.

Nâng cao ý thức sẵn sàng giúp đỡ người bị hại (Nguồn: UN Women)

Lời nhắn nhủ

Là thế hệ Gen Z hay Gen Alpha, thế hệ nào cũng phải học cách yêu thương, tôn trọng và bảo vệ bản thân mình. Chúng ta cần lên tiếng và đấu tranh cho những hành vi sai trái, thiếu chuẩn mực, học hỏi thêm các kỹ năng bảo vệ bản thân, sử dụng công nghệ và mạng xã hội theo cách thông minh và hiệu quả nhất, bạn nhé.

Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA)

Tài liệu tham khảo

The Business Standard. (2022, March 5). 84% of young women on buses face sexual harassment: Survey. https://www.tbsnews.net/bangladesh/84-young-women-buses-face-sexual-harassment-survey-379945

McNutt, M. (2023, March 4). Opinion: Her clothes have nothing to do with it. The Colorado Sun. https://coloradosun.com/2023/03/04/sexual-assault-rape-clothing-men-motive-opinion/

Nguyen, L. (2022, July 7). Silence is not golden when it comes to sexual harassment. VnExpress International. https://e.vnexpress.net/news/readers-views/silence-isn-t-golden-when-it-comes-to-sexual-harassment-4483672.html

Nguyen, T. (2019, April 21). Đừng đánh tráo Quay ROI tình dục thành ‘Cưng nựng’, ‘trêu đùa’. Thanhnien. https://thanhnien.vn/dung-danh-trao-quay-roi-tinh-duc-thanh-cung-nung-treu-dua-185843665.htm

Pecoraro, A. (n.d.). Clothes are NOT consent. NWA Center for Sexual Assault. https://www.nwasexualassault.org/clothes-are-not-consent

Trang, Đ. (2018, January 31). Đùa cho vui hay là quấy rối tình dục? Báo Pháp luật Việt Nam điện tử. https://baophapluat.vn/dua-cho-vui-hay-la-quay-roi-tinh-duc-post269030.html

Hotline