Có lẽ thật khó khi định danh hay tìm một chức vị để gọi “người phụ nữ thép” của nền hội họa Việt Nam – bà Xuân Phượng. Bà đã nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trên con đường cách mạng, từ chiến sĩ quân giới, người chế tạo thuốc nổ, bác sĩ, phóng viên chiến trường, phiên dịch viên, đến đạo diễn phim tài liệu hay một nhà sưu tập tranh. Có thể nói cuộc đời bà là cuốn hồi ký sống ghi lại những trang sử hào hùng của một thời chiến đấu oanh liệt. Với mong muốn lịch sử được gắn kết và thấu hiểu bởi thế hệ trẻ, hồi ký “Gánh gánh…gồng gồng…” ra đời, tái hiện một dòng chảy chiến tranh cuồng nộ vắt qua một thế kỷ.
60 năm cống hiến hết mình cho cách mạng
Đạo diễn – nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng sinh năm 1929, quê làng Nham Biều, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bà sinh ra trong một gia đình trí thức trung lưu êm ấm.
Năm 16 tuổi (1945) bà bí mật thoát ly gia đình, xếp bút nghiên lên đường tranh đấu giành độc lập cho đất nước. Tại thời điểm này, không ai, kể cả gia đình có thể hiểu được tại sao một cô gái trẻ lại khăng khăng liều mình đến thế. Sau nhiều năm dấn thân vào con đường cách mạng, bà được giao trọng trách tiếp xúc, làm việc với 1 tổ Pulmynate (thuốc làm kíp nổ) mà không biết rằng từ đó, mình sẽ trở thành một trong 3 người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chế tạo ra thuốc nổ.
Hình ảnh bà Xuân Phượng cùng đoàn phim “Vĩ tuyến 17-Chiến tranh nhân dân” tại địa đạo Vĩnh Linh (Ảnh tư liệu)
Năm 1968, bà từ bỏ công việc y sĩ trong phòng quốc tế của khách sạn Thống Nhất, cương quyết chuyển ngành thành một phóng viên chiến trường. Bà Xuân Phượng đã đánh đổi cả một tương lai ổn định, một công việc với mức lương cao, để gắn bó với một công việc có lương khởi điểm như người lao công. Hay theo lời miêu tả của bà, đó là “Bỏ một sự an toàn tương đối, lấy một cái chết bảy mươi phần trăm. Nhưng con người ta chỉ sống có một lần trong đời. Cuộc đời tôi sống khi làm phim chiến trường, khổ thì rất nhiều, nhưng phải nói những điều vui sướng và tự hào cũng không ít đâu.”
Ít ai biết, bà Xuân Phượng đã thực hiện hàng loạt phim tài liệu nổi tiếng như Việt Nam và chiếc xe đạp(1974), Tôi viết bài ca hồi sinh (1979), Khi tiếng súng vừa tắt (1975), Khi những nụ cười trở lại (1976), Hai tiếng quê hương (1978)… . Bà cũng một trong những phóng viên đầu tiên vào Dinh Độc lập theo trung đoàn xe tăng vào ngày 30/4/1975. Có thể thấy, bà Xuân Phượng là hình ảnh sống của những người lính mà chúng ta hằng tưởng tượng. Một hình ảnh chiến sĩ cụ Hồ kiên cường, bất khuất, không ngại khó khăn, gian khổ và sẵn sàng hy sinh hết mình vì công cuộc giải phóng dân tộc. Bà Xuân Phượng, nói riêng, và các anh hùng cách mạng, nói chung, đã đóng góp cả cuộc đời mình cho sự nghiệp lớn của đất nước, vậy nên tất cả chúng ta cần biết ơn, trân trọng điều đó.
Bà Xuân Phượng chia sẻ về bước ngoặt cuộc đời cùng với Vietcetera
Podcast “Have a sip – Cuộc đời này chỉ có một lần để sống”
(Nguồn: Vietcetera)
Người phụ nữ “thép” và hành trình 30 năm mang hội họa Việt Nam ra thế giới
Về hưu năm 1988, với số tiền lương ít ỏi, bà Xuân Phượng không chấp nhận cảnh ở nhà lầm lũi mỗi ngày, nên quyết định sang Pháp sống bằng nghề dịch phim. Cũng tại đây, bà nhận ra rằng Việt Nam trong mắt người nước ngoài chỉ tràn đầy đau thương, chiến tranh, chết chóc và đói khổ. “Tại sao cứ để người ta thương hại mình như thế? Nước chúng ta còn cả một nền văn hóa bốn nghìn năm kia mà” – bà kể. Từ đó, bà có ý định mở một phòng tranh, mang sứ mệnh giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Điều gì đã khiến một người đã đến tuổi về hưu lại nhiệt huyết cống hiến như thế? Đó chẳng phải là một tinh thần mạnh mẽ cùng với lòng yêu nước mãnh liệt hay sao? Quyết định của bà lần nữa vấp phải sự hoài nghi và ngăn cản của mọi người, tuy nhiên bằng quan niệm “người ta chỉ sống có một lần trên đời”, bà đã nỗ lực làm việc không mệt mỏi để đem những giá trị văn hóa của người Việt vươn ra thế giới. Từ những nỗ lực ấy, bà đã mang lại cơ hội cho rất nhiều họa sĩ trẻ có thể sáng tạo, và cống hiến hết mình. Đến nay, dù đã trên 90 tuổi nhưng bà vẫn đang đóng góp với vị trí cố vấn cho phòng tranh Lotus và trao quyền quản lý cho thế hệ trẻ để tiếp nối con đường đầy tự hào này.
Phòng tranh Lotus – Cái nôi của nhiều họa sĩ Việt
(Nguồn: Lotus Gallery)
Xuyên suốt 94 năm, bà Xuân Phượng đã sống đúng với quan điểm “Con người ta chỉ sống có một lần trong đời”. Dù ở tuổi nào, ở lĩnh vực nào, bà cũng sẵn sàng nỗ lực hết sức, và không ngại liều mình để theo đuổi khát vọng cống hiến. Đó là tấm gương quý giá mà lớp trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên cần noi theo. Ai trong chúng ta cũng nên sống hết mình, dám nghĩ, dám làm, đừng ngại khó khăn và hãy mạnh dạn tiến về phía trước. Sống bằng lòng nhiệt huyết và đam mê cháy bỏng không chỉ giúp chúng ta khẳng định được giá trị của bản thân, mà còn đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và cống hiến cho Tổ quốc.
Hồi ký “Gánh gánh… gồng gồng…” – Sợi dây kết nối thế hệ
Xuất bản vào năm 2020, cuốn hồi ký đã gây nên một tiếng vang trong giới văn học khi đoạt 2 giải thưởng cùng lúc của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TP.HCM. Tác phẩm là một trang tự sự về cuộc đời người phụ nữ đã cùng đất nước đi qua những giai đoạn khốc liệt nhất. Là chuỗi ký ức đan xen giữa quá khứ và hiện tại, tác phẩm đã tái hiện một chặng đường lịch sử dân tộc đầy biến động thông qua những câu chuyện đời thường. Nhắc đến cơ duyên viết lại hồi ký, bà Phượng bộc bạch: “Tôi mong muốn gia đình thương yêu hiểu rõ thêm những gì tôi đã trải qua. Và cũng vì những người trẻ chưa hề biết đến chiến tranh, tôi quyết định viết lại ĐỜI TÔI”.
Quả thật, đứng trên cương vị là thanh niên thời bình, chiến tranh đối với chúng ta chỉ là những bài học trên trang giấy, là những câu chuyện ông bà kể mỗi bữa cơm, là những tiếc thương cho những anh hùng ngã xuống. Nhưng đâu đó, chúng ta vẫn còn thiếu sự rung cảm đến từ trái tim, thiếu sự sẻ chia những khó khăn, cực nhọc mà thế hệ những người “dựng xây đất nước” đã trải qua. Đó là điều cuốn hồi ký “Gánh gánh… gồng gồng…” muốn truyền tải đến lớp trẻ. Những ký ức đau đớn, ám ảnh được kể bằng giọng văn nhẹ nhàng, thủ thỉ như muốn lôi kéo người đọc trở lại và trải qua những năm 1900.
Hồi ký “Gánh gánh…gồng gồng…của nhà văn Xuân Phượng
(Nguồn: Netabooks)
Cuốn hồi ký chỉ dài chưa đến 300 trang, nhưng lại mang trong mình sức nặng của một chứng nhân lịch sử. Người đọc sẽ bị choáng ngợp bởi một dung lượng đồ sộ, một kho tàng truyện lôi cuốn, sâu sắc, nhuốm đầy màu bi thương. Hồi ký chứa đựng những tư liệu quý giá mà người đọc chưa từng bắt gặp ở một cuốn sách nào khác. Những sự kiện dù diễn ra cách đây vài thập kỷ, lại được tái hiện rõ nét, chân thật và đầy xúc động như mới hôm qua. Bởi lẽ, đối với những người đã trải qua mưa bom, bão đạn, họ không cần cố gắng ghi nhớ, mà những ký ức đó đã ăn sâu vào tâm trí, không thể nào quên được. Trong một buổi chia sẻ, tác giả đã xúc động: “Khi tôi đứng trên một gò đất cao, anh em tôi bỗng bảo Chị Phượng coi chừng. Tôi nhìn xuống thì thấy xương, xương người rải rác trên đống đất. Tôi vội vàng nhảy xuống, lấy đất đắp lên. Bởi vì đấy là mồ của người lính bị bom đạn, chết và không kịp vùi. Thời gian làm phần đất dần xói mòn, mình đã đứng lên xương đồng đội mình mà không biết. Những xúc cảm sống ấy, thì em có quên được không?”
Tác phẩm “Gánh gánh… gồng gồng…” không chỉ dừng lại ở một hồi ký tự sự xúc động, mà còn là một phương cách để giúp người trẻ hiểu thêm những giá trị lịch sử, biết đồng cảm và sẻ chia với những người đi trước. “Gánh gánh… gồng gồng…” mang đến sứ mệnh là cầu nối gắn kết giữa các thế hệ, giúp mọi người thấu hiểu lòng nhau.
Lời tri ân tháng tư…
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, ngày 30-4-1975 là mốc son chói lọi mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam – một kỷ nguyên độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ. Hòa bình đã đến với đất nước 48 năm, nhưng những mất mát, đau thương của chiến tranh vẫn còn đó, vẫn không ngừng nhắc nhở chúng ta về những tháng ngày kháng chiến gian khổ, về sự hy sinh cao cả của bậc cha ông. Kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam – Thống nhất đất nước, hãy cùng Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA) nói lời cảm ơn tới thế hệ cha anh – những anh hùng đã chiến đấu vì Tổ quốc, vì ngày hôm nay của chúng ta.
Và đặc biệt sự tri ân ấy sẽ trở nên sâu sắc, ý nghĩa hơn khi chúng ta – những thanh niên Việt Nam thời đại mới nhận thức rõ giá trị lịch sử của chiến tranh, biết ơn và trân trọng công lao của thế hệ đi trước, liên tục trau dồi kiến thức, sự hiểu biết về lịch sử, cũng như khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc. Từ đó củng cố trách nhiệm của công dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA)