Theo Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số – nghĩa là cứ 100 người thì có tới xấp xỉ 15 người đang có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Hơn thế, đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng ngắn hạn và dài hạn và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người.

Nhạy bén với thực trạng trên, cũng như hiểu được môi trường căng thẳng khi phải thi cử, học hành và kết nối xã hội của sinh viên, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã tổ chức buổi tọa đàm thiết thực với chủ đề “Nâng cao năng lực nhận diện và chăm sóc sức khỏe tâm thần” dành cho sinh viên, người học ở tất cả các hệ tại UEH. Dưới sự dẫn dắt của Bác sĩ Phạm Minh Triết – Nghiên cứu sinh Trường Nghiên Cứu Tâm Lý – Đại học Quốc gia Australia, sinh viên và người học được hiểu thêm và phân biệt các khái niệm về tâm lý, tâm thần cũng như làm quen với những bất ổn tâm lý sơ khởi từ lúc mới hình thành.

Bác sĩ Phạm Minh Triết đã đưa những tình trạng tâm lý về một khái niệm đơn giản, dễ tiếp cận hơn cho sinh viên và người học – ánh đèn giao thông. Có những mức độ màu sắc từ xanh chuyển vàng và cuối cùng là đỏ, thể hiện trạng thái tâm thần từ bình tĩnh, thoải mái đến rất bất thường và không làm được gì. Tương tự như khi tham gia giao thông, bạn chỉ nên “chạy” khi đèn xanh, đèn vàng thì đã đến lúc bạn nên chậm lại và xem xét lại sức khỏe tâm thần của bản thân mình, và khi chạm đến màu đỏ thì có lẽ đã đến lúc bạn dừng lại. Đây là một khái niệm mà sinh viên nên làm quen để hiểu và chăm sóc cho sức khỏe của bản thân cũng như tìm kiếm sự giúp đỡ, quan tâm khi cần thiết.

Những sắc độ thể hiện trạng thái tâm lý của con người

Diễn giả cũng đề cập tới tỷ lệ các vấn đề sức khỏe thường gặp ở sinh viên Việt Nam được lấy từ khảo sát năm 2016, gần 70% sinh viên được phỏng vấn gặp vấn đề về rối loạn lo âu, cao hơn nhiều so với mức chung của xã hội là 14.9%.

Sinh viên và người học tham gia buổi tọa đàm cũng được bổ sung thêm kiến thức về những biểu hiện khi cơ thể bị stress, nguyên nhân gây ra stress và phân tích về hai loại stress tốt (Eustress) và stress xấu (Distress) thường xảy ra qua những tình huống rất thường gặp trong đời sống hàng ngày như: xung đột với bạn cùng phòng, rắc rối với bố mẹ, sức khỏe giảm sút, điểm học không như mong đợi,…

Phần thảo luận với nhiều sự quan tâm từ người tham dự

Không chỉ vậy, người tham dự còn được tiếp cận với thuật ngữ “rối loạn sợ đặc hiệu” về các chứng sợ vật thể, tình huống đặc biệt như rắn hay độ cao. Diễn giả cũng đưa ra những ví dụ thực tế để người tham dự được cùng phân tích và hiểu hơn về tình trạng và biểu hiện của chúng. Thông qua chương trình, người tham dự đã tích cực tham gia trả lời các câu hỏi tương tác và được diễn giả giải đáp cặn kẽ những thắc mắc những vấn đề quan tâm.

Những hành động phòng ngừa đơn giản mà người học có thể luyện tập hằng ngày

Tọa đàm đã diễn ra thành công và nhận được nhiều sự quan tâm từ người học UEH đang có những băn khoăn về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Buổi tọa đàm diễn ra trong hơn hai tiếng với bầu không khí chuyên nghiệp, tập trung và tích cực tương tác từ các bạn sinh viên, anh chị học viên. Người tham dự cũng được Bác sĩ Phạm Minh Triết nhắn nhủ những lời nhắc thực tế, ngắn gọn để đúc kết vấn đề và giúp mọi người chăm sóc bản thân tốt hơn không chỉ về thể chất mà còn là về tinh thần.

Tọa đàm đã tạo ra được một môi trường an toàn và hỗ trợ, nơi để học hỏi và phát triển kỹ năng nhận diện các vấn đề sức khỏe tâm thần cơ bản, cũng như cách chăm sóc bản thân và người khác, nhận diện những yếu tố, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe tâm thần và tìm kiếm giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần phù hợp cho mình. Trong tương lai, Nhà trường sẽ tích cực kết nối chuyên gia và tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ cho người học ở nhiều phương diện để có thể đồng hành cùng người học phát triển toàn diện trên chặng đường tại UEH.

Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học

Hotline