Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, kết nối – hòa nhập giữa các nền văn hóa là điều chắc chắn không thể thiếu. Hòa nhập đa văn hóa vừa là “cây cầu” gắn kết các quốc gia, vừa truyền tải những nét văn hóa đặc sắc của từng vùng miền đi ra thế giới. Chính vì vậy mà các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng có cơ hội được giao lưu, tiếp xúc với các nét đẹp văn hóa đa dạng. Tuy nhiên, liệu đây có thực sự là cơ hội khi tình trạng “hòa nhập” biến thành “hòa tan” làm phai mờ đi những nét đẹp văn hóa vốn có của dân tộc?
Để “Bản sắc văn hóa dân tộc” và “Hòa nhập đa văn hóa” không còn là điều mơ hồ
Chắc hẳn hai cụm từ này đã không còn quá xa lạ với mỗi người chúng ta, tuy nhiên chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sự khác biệt của hai khái niệm này nhé.
Bản sắc văn hóa dân tộc là gì?
Theo Viện nghiên cứu văn hóa, mỗi một quốc gia, mỗi một dân tộc sẽ có những bản sắc văn hóa riêng và hình thành nên nét đặc trưng của từng dân tộc. Chính vì vậy, bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị vật chất, tinh thần tinh túy nhất, cô đọng nhất, bền vững nhất, là sắc thái cội nguồn, riêng biệt của mỗi dân tộc, làm cho dân tộc này không thể lẫn với dân tộc khác.
Bản sắc văn hoá dân tộc được hình thành và phát triển phụ thuộc vào đặc điểm tộc người, điều kiện lịch sử, tự nhiên, môi trường cư trú, thể chế chính trị cũng như giao lưu với các nền văn hóa khác…Các đặc điểm này có thể được thể hiện qua nhận thức con người, qua cách tư duy, lối sống, lý tưởng hằng ngày và đặc biệt là qua phong tục tập quán, ngôn ngữ, trang phục, nghi lễ đặc trưng, kiến trúc, ca dao tục ngữ, kho tàng văn hóa nghệ thuật… Tất cả những điều này đều được coi là bản sắc văn hóa dân tộc của một quốc gia.
Giải mã hòa nhập đa văn hóa
Trước hết chúng ta cần hiểu đa văn hóa là sự giao thoa, hòa quyện các vẻ đẹp đặc sắc của nền văn hóa từ nhiều dân tộc, khu vực trên thế giới. Đa văn hóa không giới hạn trong phạm vi vật chất mà nó có thể là đời sống tinh thần, phong tục tập quán hay đơn giản là lời ăn tiếng nói hằng ngày của một dân tộc được du nhập vào một khu vực quốc gia khác.
Giao lưu văn hóa Việt – Nhật
( Nguồn: Labco)
Chưa có khái niệm cụ thể về hòa nhập đa văn hóa nói chung nhưng hầu hết mọi người hiểu hòa nhập đa văn hóa là sự tiếp thu, hòa cùng và tương tác với những nét văn hóa đặc sắc từ nhiều dân tộc, vùng miền trên thế giới để giúp bản thân trau dồi kiến thức, đa dạng tư duy lối sống. Hòa nhập đa văn hóa là “học hỏi và trau dồi” không phải “học thuộc và thay đổi”, chính vì thế kim chỉ nam trong hòa nhập đa văn hoá vẫn là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Hòa nhập đa văn hóa được ví như cây cầu gắn kết khu vực, phương tiện vận chuyển nét đẹp văn hóa, chính vì thế không thể phủ nhận rằng điều này đã mang lại không ít giá trị tốt đẹp cho các khu vực cả về vật chất lẫn tinh thần. Không chỉ Việt Nam mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang phát triển theo xu thế toàn cầu hóa, hòa nhập – hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau về mọi mặt. Chính điều này đã giúp chúng ta có cơ hội tiếp xúc với nhiều nguồn tri thức mới lạ từ các khu vực khác, đặc biệt là kiến thức của các nền văn hóa trên thế giới. Việc tìm hiểu, nắm bắt được thông tin về ngôn ngữ, lối sống, định kiến, tâm lý và thế giới quan của một nền văn hóa thông qua hòa nhập đa văn hóa không chỉ giúp chúng ta cởi mở tri thức, nâng tầm hiểu biết mà còn là một lợi thế trong việc xây dựng mối quan hệ quốc tế ở bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Hòa nhập và phá vỡ rào cản khuôn mẫu
Khi có sự hoà nhập đa văn hóa, mỗi cá nhân sẽ có cơ hội tiếp xúc với các tư tưởng mới, đa dạng và bổ ích. Từ đó vòng tròn khuôn mẫu sẽ dần sứt mẻ, tư tưởng lối sống sẽ trở nên tiến bộ, mới lạ hơn. Không khó để nhìn thấy được rằng hòa nhập đa văn hóa đã giúp nhiều dân tộc nói chung và Việt Nam nói riêng phá bỏ và hạn chế đi những định kiến lạc hậu, cổ hủ như trọng nam khinh nữ, định kiến về xu hướng tính dục hay đơn giản trong lối sống hằng ngày như con gái thì không được đi học, không được ngồi ăn cơm ở nhà trên… Nhờ đó mà khơi dậy động lực, mở rộng cơ hội cho bản thân mỗi người. Điều này cũng gián tiếp thúc đẩy cho sự phát triển, hòa nhập chung của cả nền kinh tế, xã hội.
Hòa nhập đa văn hóa giúp ta phá bỏ bức tường rào cản
(Nguồn: Pinterest)
Hòa nhập đa văn hóa – Con dao hai lưỡi !
Hòa nhập đa văn hóa rõ ràng đang mở ra những giá trị vô cùng to lớn tuy nhiên cũng mang lại không ít thách thức. Những thách thức dễ nhận thấy nhất hiện nay chính là:
Ngôn ngữ dân tộc đang bị “bụi bám”
Bản sắc văn hóa dân tộc là tất cả những gì đặc trưng của dân tộc, tất cả những gì làm cho dân tộc mình khác với mọi dân tộc trên thế giới. Mà đối với người Việt Nam, đó trước hết là tiếng Việt, ngôn ngữ được truyền lại cho ta từ lời ru của mẹ, ngôn ngữ được ta dùng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Thế nhưng cùng với sự hòa nhập đa văn hóa, có thêm nhiều ngoại ngữ được hòa nhập vào nước ta, việc lạm dụng ngôn ngữ nước ngoài trong lời văn tiếng Việt đang ngày càng phổ biến. Sự sáng tạo, chèn chữ một cách vô nguyên tắc thậm chí là kỳ quặc chẳng hạn như “enjoy cái moment này”, “hoạt activities”… đã làm mất đi ý nghĩa trong lời nói của người Việt hằng ngày. Việc mượn từ, thay từ nước ngoài một cách không kiểm soát không chỉ khiến các từ tiếng Việt vốn có dần bị lãng quên mà còn làm mất đi sự thuần túy, sâu sắc của tiếng Việt.
Văn hóa dân gian đang dần phai mờ
Việt Nam là một quốc gia Đông Nam Á có các đặc trưng văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc như chèo, tuồng, dân ca, cải lương, sân khấu kịch cùng kho tàng văn chương đồ sộ được ông cha ta gây dựng từ thời xa xưa. Cho đến nay, rất nhiều đặc trưng văn hoá dân gian đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đây là điều đáng mừng, đáng tự hào khi các giá trị văn hóa dân tộc được vinh danh, thế nhưng, những nét đặc trưng văn hóa dân gian đó đang ngày càng ít được quan tâm, thậm chí là lãng quên và thay vào đó là những nét văn hóa phương Tây mới lạ, hợp gu giới trẻ. Dần dần có một bộ phận dường như quên mất đi dân tộc mình có những bộ môn nghệ thuật dân gian như Chèo, tuồng, sân khấu kịch…
Múa rối nước – Nghệ thuật văn hóa truyền thống của Việt Nam
(Nguồn: Pinterest)
Từ tiếp nhận đến tiếp biến văn hóa nước ngoài
Trong tác phẩm Nhìn về vốn văn hóa dân tộc của mình tác giả Trần Đình Hựu có viết “Con đường hình thành bản sắc dân tộc đâu chỉ trông cậy vào khả năng tạo tác”, tức là sáng tác, kế thừa và phát huy những gì đã có mà còn phải “trông cậy vào khả năng chiếm lĩnh, sự đồng hóa những giá trị văn hóa bên ngoài”. Nhưng đâu phải văn hóa nào từ bên ngoài cũng phù hợp với văn hóa dân tộc mình, việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài cần chọn lọc và học hỏi một cách vừa đủ.
Ấy vậy, thật đáng buồn là hiện nay một bộ phận giới trẻ đang “mượn” văn hóa nước ngoài áp đặt vào lối sống hằng ngày rồi biến điều đó thành khung mẫu chung cho mọi người. Trong văn hóa thời trang, ăn mặc một cách hở hang, táo bạo tại những nơi trang nghiêm, công cộng và coi đó là “mốt”. Trong lối sống hằng ngày, áp đặt và sống theo tư tưởng “rất Tây” vào xã hội “rất Ta”, chúng ta tiếp thu cái mới nhưng lại vô tình thay thế đi những cái nguyên sơ ban đầu. Chúng ta thích thú với các trò chơi điện tử từ nước ngoài nhưng lại không biết lò cò, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây là gì?
Tất cả điều ấy đang gián tiếp làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Giải pháp để hòa nhập không biến thành hòa tan
Hòa nhập đa văn hóa quả thực là điều không thể thiếu trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Tuy nhiên chúng ta không nên để điều đó áp đặt để rồi quên đi bản sắc văn hóa dân tộc vốn có của mình. Vậy làm thế nào để hội nhập với thế giới mà không bị biến mất?
Trau dồi kiến thức văn hóa dân tộc
Kiến thức văn hóa sẽ giúp chúng ta có được cái nhìn tổng quan đồng thời hiểu rõ được nét đẹp đặc trưng trong nền văn hóa dân tộc. Chính vì thế, mỗi cá nhân cần có ý thức tự trau dồi kiến thức cho riêng mình. Những tinh hoa của nền văn hóa dân tộc có thể được thu thập thông qua các áng văn chương lỗi lạc, qua những vở kịch hấp dẫn, những thước phim sinh động hay qua không gian nhộn nhịp của những lễ hội, những buổi giao lưu văn hóa.
Tiếp thu những tinh hoa ấy không chỉ để trang bị cho hành trình “giữ lửa” mà đó còn là hành trang trên con đường “truyền lửa” đưa văn hóa dân tộc đến với thế giới.
Học hỏi nhưng không học thuộc
Chắc chắn rằng trong bối cảnh hội nhập toàn cầu như ngày nay thì việc học hỏi, tiếp thu những kiến thức, văn hóa mới là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên học thêm cái mới để trau dồi, phát triển nền tảng của mình chứ không học thuộc rồi thay thế đi những cái ban đầu. Nên giao lưu, học hỏi những cái đẹp cái hay phù hợp với văn hóa dân tộc mình và vận dụng những điều đó đúng nơi, đúng thời điểm. Không nên lạm dụng một cách thái quá, lố lăng văn hóa từ nước ngoài. Phong cách ăn mặc, cử chỉ lời nói ở một số nước phương Tây vô cùng thoải mái và táo bạo. Sẽ thật không phù hợp và khó tiếp nhận nếu chúng ta ăn mặc và có những cử chỉ y như vậy trong văn hóa dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy tiếp nhận một cách vừa đủ sự thoải mái, cởi mở từ phương Tây sẽ giúp chúng ta vừa tiến bộ trong tư tưởng vừa phù hợp với văn hóa dân tộc.
Tăng cường tuyên truyền, quảng bá nét đẹp văn hóa dân tộc
Chỉ làm người giữ lửa thôi là chưa đủ, để bản sắc văn hóa không bị phai mờ mỗi chúng ta phải trở thành người truyền lửa, đưa nét đẹp văn hóa đến với anh em, bạn bè quốc tế. Quảng bá các hình ảnh đẹp để nhiều người, nhiều quốc gia biết đến văn hóa Việt Nam cũng là cách để các nét đặc trưng ấy lưu truyền và phát triển. Điều này có thể thông qua các buổi giao lưu, tọa đàm, các tour du lịch, tham quan.
Giới thiệu văn hóa Việt thông qua các tour du lịch
(Nguồn: Inn New York City)
Hòa nhập đa văn hóa không chỉ kết nối mà còn góp phần truyền tải hình ảnh, bản sắc của mỗi dân tộc đến với bạn bè quốc tế. Điều này là vô cùng quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Tuy nhiên trên hành trình đó, bản sắc dân tộc được giữ gìn hay sẽ bị hòa nhập, phai mờ giữa các nền văn hóa ngoại lai đều phụ thuộc vào bản thân mỗi chúng ta, thế hệ tương lai của đất nước.
Thấu hiểu những giá trị của bản sắc dân tộc. Bên cạnh các buổi hội thảo, tọa đàm quốc tế… UEH còn không ngừng đẩy mạnh các hoạt động tìm hiểu, quảng bá bản sắc dân tộc thông qua các buổi trao đổi, giao lưu sinh viên quốc tế, các cuộc thi trong và ngoài trường. Đặc biệt hơn, với thông điệp “Một sân khấu, một nét văn hóa được gìn giữ” UEH chính thức ra mắt Sân khấu kịch học đường UEH Theatre là cơ hội để sinh viên tiếp xúc, giao lưu và hòa mình vào thế giới văn hoá, nghệ thuật. Từ đó có được cái nhìn sâu sắc hơn về sân khấu kịch Việt Nam nói chung đồng thời góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống của bản sắc dân tộc Việt.
Làm sao để hòa nhập mà không hòa tan là điều không đơn giản nhưng không phải là không làm được nếu như mỗi người chúng ta đều có ý thức giữ gìn những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Việc giữ gìn bản sắc dân tộc phải bắt đầu từ việc giữ gìn truyền thống của mỗi gia đình, mỗi địa phương, vùng miền cụ thể. Với mỗi nét đặc sắc của hơn năm mươi dân tộc anh em sẽ làm nên một nền văn hóa Việt Nam đa dạng, đậm đà bản sắc và không thể bị “hòa tan” bởi bất kỳ nền văn hóa ngoại lai nào khác.
Tài liệu tham khảo:
https://tapchicongsan.org.vn/nghien-cu/-/2018/2170/giu-gin-va-phat-huy-ban-sac-van-hoa-dan-toc-trong-qua-trinh-phat-trien-kinh-te-thoi-ky-hoi-nhap-quoc-te.aspx
https://nld.com.vn/thoi-su/khong-so-mat-ban-sac-20200120132617218.htm
https://ncvanhoa.org.vn/ban-sac-van-hoa-dan-toc-la-gi/
10 Benefits of Cross-Cultural Training – Culture Boleh Global Training PLT
Tin/Ảnh: Phòng Chăm sóc và Hỗ trợ người học