Mỗi khi được hỏi “lớn lên sẽ làm gì?” thì những câu trả lời sẽ là ước mơ trở thành cô giáo, bác sĩ, phi công… Tuy nhiên, khi đứng trước ngưỡng cửa đại học thì việc chọn ngành, chọn nghề, chọn trường lại làm các em học sinh THPT hoang mang và không biết phải lựa chọn như thế nào và ra sao.

Để giúp các em học sinh có được sự lựa chọn chính xác nghề nghiệp tương lai rất cần sự vào cuộc, trợ giúp của gia đình và nhà trường. Các bậc phụ huynh nên căn cứ thực lực, sở thích của con em mình để gợi ý, tư vấn, tạo tâm lý thoải mái cho con em mình trong việc chọn trường, chọn nghề. Và những bài trắc nghiệm tính cách nghề nghiệp sẽ là công cụ giúp cho những bậc phụ huynh và học sinh trong việc định hướng được nghề nghiệp phù hợp. Trong số đó trắc nghiệm sở thích Holland tuy còn khá mới nhưng đang được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực này.

Trắc nghiệm Holland (hay còn gọi là trắc nghiệm sở thích Holland) được phát triển bởi tiến sĩ tâm lý học người Mỹ – John Holland. Bài trắc nghiệm này đã được sử dụng khá rộng rãi trong hướng nghiệp phổ thông tại các quốc gia phát triển nhất về giáo dục như Hà Lan, New Zealand, Thuỵ Sỹ, Italy… Tại Việt Nam, bài trắc nghiệm này còn khá mới nhưng cũng đang được áp dụng rộng rãi trong công tác hướng nghiệp.

Trắc nghiệm Holland chia tính cách con người ra làm 6 nhóm, tương ứng với 6 loại ngành nghề phù hợp:

Kỹ thuật:

  • Người thuộc nhóm sở thích nghề nghiệp này thường có khả năng về kỹ thuật, công nghệ, hệ thống; ưa thích làm việc với đồ vật, máy móc, động thực vật; thích làm các công việc ngoài trời.
  • Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm những nghề về kiến trúc, xây dựng và dân dụng công nghiệp, nghề mộc, xây dựng, thủy sản, kỹ thuật, máy tàu thủy, lái xe, huấn luyện viên, nông – lâm nghiệp (quản lý trang trại, nhân giống cá, lâm nghiệp…), cơ khí (chế tạo máy, bảo trì và sửa chữa thiết bị, luyện kim, cơ khí ứng dụng, tự động…), điện – điện tử, địa lý – địa chất (đo đạc, vẽ bản đồ địa chính), dầu khí, hải dương học, quản lý công nghiệp…

Nghiên cứu:

  • Người thuộc nhóm ngành này có khả năng về quan sát, khám phá, phân tích đánh giá và giải quyết các vấn đề.
  • Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (toán, lý, hóa, sinh, địa lý, địa chất, thống kê…); khoa học xã hội (nhân học, tâm lý, pháp luật…); y – dược (bác sĩ, y sĩ, dược sĩ, kỹ thuật lâm sàng,…); khoa học công nghệ (công nghệ thông tin, quản trị mạng máy tính; môi trường, điện, vật lý kỹ thuật, xây dựng…); nông lâm (nông học, thú y…).

Nghệ thuật:

  • Có khả năng về nghệ thuật, khả năng về trực giác, khả năng tưởng tượng cao, thích làm việc trong các môi trường mang tính ngẫu hứng, không khuôn mẫu.
  • Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Các ngành về văn chương; báo chí (bình luận viên, dẫn chương trình…); điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật, ca nhạc, múa, kiến trúc, thiết kế, thời trang, hội họa, giáo viên dạy sử/Anh văn, bảo tàng, bảo tồn…

Xã hội:

  • Bạn có khả năng về ngôn ngữ, giảng giải, thích làm những việc như giảng giải, cung cấp thông tin, sự chăm sóc, giúp đỡ, hoặc huấn luyện cho người khác.
  • Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: sư phạm; giảng viên; hướng dẫn viên du lịch; tư vấn – hướng nghiệp; công tác xã hội, sức khỏe cộng đồng, bác sĩ chuyên khoa, thẩm định giá, tuyển dụng nhân sự, cảnh sát, xã hội học, bà đỡ, điều dưỡng, chuyên gia về X-quang, chuyên gia dinh dưỡng…

Quản lý:

  • Có khả năng về kinh doanh, mạnh bạo, dám nghĩ dám làm, có thể gây ảnh hưởng, thuyết phục người khác, có khả năng quản lý.
  • Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Các ngành về quản trị kinh doanh (quản lý khách sạn, quản trị nhân sự…), thương mại, marketing, kế toán – tài chính, luật sư, dịch vụ khách hàng, tiếp viên hàng không, thông dịch viên, pha chế rượu, kỹ sư công nghiệp (ngành kỹ thuật hệ thống công nghiệp), bác sĩ cấp cứu, quy hoạch đô thị, bếp trưởng (nấu ăn), báo chí (phóng viên, biên tập viên…)…

Nghiệp vụ:

  • Có khả năng về số học, thích thực hiện những công việc chi tiết, thích làm việc với những số liệu, theo chỉ dẫn của người khác hoặc các công việc văn phòng.
  • Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Các ngành nghề về hành chính, thống kê, thanh tra ngành, người giữ trẻ, kế toán, điện thoại viên…

Trắc nghiệm sở thích Holland là lựa chọn lý tưởng khi hướng nghiệp cho học sinh ở giai đoạn phổ thông, vì nó giúp khám phá những nét tính cách tiềm ẩn trong mỗi con người.

Trong giai đoạn này, học sinh có nhu cầu thể hiện bản thân và khát khao học hỏi chuyên ngành khá cao, nhưng lại thiếu một chỉ dẫn đủ tin cậy và khách quan để đưa ra quyết định về nghề nghiệp. Bài trắc nghiệm sở thích Holland như một ngọn hải đăng giúp soi đường chỉ lối cho cả phụ huynh và học sinh trên hành trình sự nghiệp trong giai đoạn ban đầu này.

Nhưng bài trắc nghiệm này không chỉ gói gọn trong chuyện hướng nghiệp. Nó còn có thể giúp phụ huynh đưa ra hướng phát triển về học vấn để theo đuổi nghề nghiệp học sinh ưa thích. Chẳng hạn, khi học sinh thuộc nhóm “Nghệ thuật”, mong muốn trở thành nhà thiết kế thời trang. Dựa trên mong muốn của học sinh và kết quả trắc nghiệm, phụ huynh có thể cho con theo học các lớp năng khiếu vẽ, khuyến khích con tham gia các hoạt động về thời trang trên trường, hay cùng con tìm kiếm các chương trình học Đại học có đào tạo về thiết kế thời trang,… Hay nói cách khác, trên cơ sở tâm lý học, bài trắc nghiệm Holland giúp phụ huynh và học sinh phát triển sự nghiệp tương lai theo đúng hướng, đúng lộ trình, và mang tính dài hơi.

Hotline