
Trải qua Tháng Tự hào (Pride Month) năm 2022, sự hiện diện của cộng đồng LGBTQ+ và hành trình cống hiến, khẳng định bản thân đã và đang tiếp tục một cách mãnh liệt hơn bao giờ hết. Một thế hệ trẻ tự tin thể hiện cá tính và nét riêng của mình và tự hào về điều đó mà không tồn tại sự kỳ thị hay định kiến của xã hội. Từ đó tôn vinh những giá trị đẹp về sự đa dạng, khoan dung và bình đẳng mà bất kỳ ai cũng cần có trên hành trình mang tên hiểu mình. Nhưng hành trình đó liệu có màu hồng đến vậy?
Khi bảo vệ quyền lợi bị gắn mác “ô dề”
Theo Very Wellmind, LGBTQ+ là tên viết tắt các chữ cái đầu của một cộng đồng những người có xu hướng tính dục đặc biệt. Cụ thể là khi họ có xu hướng tình dục với những người có cùng giới tính, hoặc mô tả một người là nam giới hoặc nữ giới đều bị thu hút tình yêu bởi cả hai giới.
Cộng đồng LGBTQ+ có những bước phát triển khá nhanh trong những năm gần đây không chỉ trên thế giới mà còn tại Việt Nam. Những phong trào của cộng đồng LGBTQ+ ngày càng nhận được sự ủng hộ từ chính quyền, truyền thông và cộng đồng. Đây cũng là động lực để ngày càng có nhiều người dám công khai (come out) xu hướng tính dục, bản dạng giới để được là chính mình.
Cộng đồng LGBTQ+ bên lá cờ lục sắc – biểu tượng của cộng đồng (Nguồn:Pinterest)
LGBTQ+ phổ biến tại Việt Nam vào giữa năm 2015, và được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và nền tảng video đến ngày nay. Trong 10 năm qua, chính phủ đã bỏ việc cấm kết hôn cùng giới. Đồng thời, việc công nhận quyền của người chuyển giới và sự hiện diện của người LGBTQ+ trong một số chính sách khác là những tín hiệu đáng mừng ở Việt Nam.
Mặc dù đã có nhiều cái nhìn cởi mở hơn từ xã hội đối với cộng đồng LGBTQ+, nhưng sự chênh lệch về quyền lợi của cộng đồng LGBTQ+ vẫn là một điều không thể chối cãi. Những góc nhìn tiêu cực như “LGBT là bệnh”, “LGBT là do bị ảnh hưởng” vẫn tồn tại qua nhiều thế hệ dẫn tới nhiều khó khăn. Trong đó, sự kỳ thị chính là rào cản lớn nhất đối với toàn thể cộng đồng LGBTQ+. Nhiều người cho rằng cộng đồng này đấu tranh đòi bình đẳng chỉ vì họ nhận những ánh mắt dò xét từ những người xa lạ, sự chỉ trích từ gia đình và bạn bè. Nhưng thực tế, những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và liên giới tính ở Việt Nam phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong gia đình, trường học, cộng đồng địa phương và nơi công cộng. Theo Greeting Vietnam, một cuộc khảo sát với 3.000 người thuộc cộng đồng LGBTQ+ ở Việt Nam cho thấy khoảng 21% vẫn bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc, 44% bị phân biệt đối xử trong trường học, hơn 40% phải chịu sự phân biệt đối xử trong gia đình. Bên cạnh đó trong năm 2010, hơn 50% cho biết bị phân biệt đối xử bởi các nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe, hơn 25% người chuyển giới bị từ chối chăm sóc sức khỏe hoàn toàn. Do đó, LGBTQ+ trở nên dễ bị tổn thương và thường né tránh các phòng khám của bác sĩ. Thậm chí, họ chủ động trì hoãn công tác phòng ngừa và chăm sóc y tế cần thiết. Chưa kể đến theo Tạp chí Chất lượng và cuộc sống một cuộc khảo sát với sự tham gia của hơn 3.000 người LGBT đã cho thấy rằng 39% đã từng bị kỳ thị trong gia đình, chủ yếu bị mắng chửi (22.8%) hoặc bị đuổi ra khỏi nhà (4.6%); 44% bị kỳ thị trong trường học, chủ yếu bị bạn bè trêu ghẹo, bị ép buộc cách ăn mặc, hoặc bị gọi phụ huynh đến. Trong môi trường công việc, 21% đã từng bị kỳ thị; tỷ lệ này cao đặc biệt trong nhóm chuyển giới, với 68% đã bị kỳ thị, bao gồm cả các trường hợp nghiêm trọng là cho thôi việc. Trên thực tế, sự kỳ thị mà cộng đồng LGBTQ+ phải đối diện còn nhiều hơn thế. Và đây cũng chính là một hồi chuông đáng báo động về việc ngăn chặn sự kỳ thị, đối xử bất công với cộng đồng LGBTQ+ trong xã hội hiện nay.
Cộng đồng LGBTQ+ xuống đường đấu tranh chống lại sự kì thị (Nguồn:Pinterest)
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, các nhãn hàng thường xuyên đẩy mạnh hoạt động quảng bá vào Tháng tự hào (Pride Month), họ tung ra sản phẩm phiên bản đặc biệt, chạy quảng cáo hoặc thay đổi ảnh đại diện trên các kênh mạng xã hội nhằm thể hiện sự ủng hộ dành cho cộng đồng LGBTQ+. Tuy nhiên, nhiều công ty bị cáo buộc, chỉ trích khi có động cơ trục lợi, lợi dụng phong trào cầu vồng để thu lợi nhuận chứ không thực sự quan tâm đến cộng đồng. Đối với nhiều công ty, tháng tự hào chỉ là cơ hội để họ có thể thực hiện chiến lược kinh doanh của mình chứ không hẳn là quan tâm và hưởng ứng thông điệp mà tháng Tự hào mang đến. Điển hình như sự “nửa mùa” của Youtube khi đổi logo cầu vồng trong tháng Pride nhưng lại thường xuyên tắt tính năng kiếm tiền từ nội dung LGBTQ+. Hay mới đây nhất là thông điệp “Sống không gồng” của công ty Bảo hiểm AIA dường như đang biến tấu ý nghĩa thật sự của tháng Pride và biến nó thành một chiến lược PR cho chính công ty của mình.
Không chỉ đối diện với rào cản kì thị, cộng đồng LGBTQ+ còn phải đối mặt với sự “vắt sữa” từ các doanh nghiệp. Ngay cả trong môi trường giáo dục, sự kì thị, bất bình đẳng với cộng đồng LGBTQ+ vẫn đang diễn ra mỗi ngày. Theo HRWF, thanh thiếu niên thuộc cộng đồng LGBTQ+ ở Việt Nam phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử ở nhà và ở trường học vì những lầm tưởng như sự hấp dẫn đồng giới là một tình trạng sức khỏe tâm thần có thể chẩn đoán, điều trị và chữa khỏi. Rất nhiều học sinh nam và đặc biệt là các em chuyển giới (nhận ra mình có giới tính khác với giới tính sinh học từ rất sớm) thường bị tấn công tập thể bằng cách bắt đổ nước nóng hoặc xát ớt vào vùng kín, đón đường để đánh hội đồng vì làm mất thể diện con trai… Nhưng các em thường không dám lên tiếng vì biết là thầy cô sẽ không bênh vực mình. Theo Việt Nam Mới, có tới 61.7% người đồng tính nữ, 68.9% người đồng tính nam, 70.8% người song tính nam, 61.6% người song tính nữ, 66.7% người chuyển giới nữ và 74.0% người chuyển giới nam tham gia nghiên cứu nói rằng từng nghe, nhìn thấy những nhận xét, hành động tiêu cực từ bạn bè; và còn rất nhiều các hành vi bạo lực khác với cộng đồng này.
Khả năng bị trêu chọc, nhục mạ, tẩy chay, tước đoạt tài sản hay nghiêm trọng hơn là quấy rối hoặc xâm hại tình dục là những thực tế mà cộng đồng phải đối mặt (Nguồn: Ryan Johnson)
Xóa bỏ định kiến để kiên định là chính mình
Dù có rất nhiều sự khó khăn nhưng không thể phủ nhận rằng các bạn LGBTQ+ vẫn sống hết đam mê và tỏa sáng theo cách riêng của mình. Họ không chỉ sống, làm việc và cống hiến mà còn mang đến những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng LGBTQ+ nói riêng và xã hội nói chung. Hoa hậu chuyển giới Quốc tế 2018 – Hương Giang đã vượt qua hàng ngàn những bình luận tiêu cực, hàng ngàn sự chỉ trích của mọi người từ nền tảng ảo đến ngoài đời thực, giờ đây cô chính là một đóa hoa tỏa sáng không chỉ trong cộng đồng LGBTQ+ mà là toàn xã hội khi đi đầu trong chiến dịch ủng hộ Luật chuyển đổi giới tại Việt Nam, bên cạnh đó những thông điệp, câu chuyện mà cô truyền tải đến mọi người cũng đã góp phần to lớn trong việc thay đổi cách nhìn về cộng đồng LGBTQ+, là động lực to lớn để cộng đồng dũng cảm theo đuổi đam mê, sống với chính mình.
Hoa Hậu Hương Giang chụp hình bên cờ lục sắc (Nguồn: Yan)
Theo Vietcetera, cụm từ LGBTQ+ sẽ kết thúc sứ mệnh của mình là khi mỗi người không còn bị rập khuôn rạch ròi, mà chỉ còn lại mỗi cá thể tự do là mình, tự do yêu. Là khi LGBTQ+ không còn được sử dụng để chỉ một nhóm người yếu thế và thiểu số, mà chỉ còn những cộng đồng đa dạng và bình đẳng về giới và xu hướng tính dục. Là khi xã hội không quan tâm hay ép buộc bạn là nam hoặc nữ, bạn yêu ai – người đó thuộc giới nào.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc – Ban Ki Moon từng phát biểu: “Với những bạn là người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính hay chuyển giới, cho tôi nói rằng: Các bạn không đơn độc! Cuộc đấu tranh của các bạn nhằm chấm dứt bạo lực và phân biệt đối xử là một cuộc đấu tranh chung. Bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào các bạn cũng là cuộc tấn công vào các giá trị cốt lõi của Liên hiệp quốc. Tôi thề sẽ đứng lên bảo vệ và giúp đỡ các bạn. Ngày hôm nay tôi đứng với các bạn, và kêu gọi tất cả các quốc gia, tất cả mọi người cùng đứng về phía các bạn.” Và quả thực hành trình được là chính mình của cộng đồng LGBTQ+ nói chung hay của một cá nhân nói riêng là không bao giờ cô đơn.
Bạn không cô đơn trong hành trình của mình (Nguồn: Pinterest)
Không nằm ngoài sự phát triển tất yếu của thế giới, tại UEH, thông điệp “I am who I choose to be” – Tự do lựa chọn trở thành người bạn mong muốn luôn là kim chỉ nam trong mọi hoạt động dành cho UEHers trong năm 2022. Với môi trường hiện đại tại UEH, bạn được tự do thể hiện màu sắc cá nhân, kết nối và mở rộng mối quan hệ thông qua các hoạt động Đoàn/Hội sôi nổi, ý nghĩa, chung sức vì mục tiêu phát triển bền vững. Điều này cũng góp vào để xây dựng con đường dẫn tới công lý và sự bình đẳng cho tất cả người học tại UEH, tôn vinh những giá trị đẹp về sự đa dạng và bình đẳng. Nếu cần được sẻ chia và hỗ trợ trong hành trình định hình, hoàn thiện bản thân, đừng ngần ngại sẻ chia để Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA) đồng hành cùng bạn.
Trên chuyến đi khám phá con người thật và khai phá những tiềm năng bên trong của các bạn sinh viên, trong thời gian tới, DSA sẽ phối hợp cùng Vietcetera, Durex tổ chức chương trình Cởi Mở Đi Unitour với mong muốn mở ra một cuộc hành trình giữa những bạn trẻ có chung nhiều thắc mắc về bản thân mình. Với mục tiêu lan toả những câu chuyện chân thật, những lời cảm ơn còn chưa dám nói, và cùng nhau thắp sáng tinh thần tự hào trên khắp Việt Nam; sự kiện hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều điều bất ngờ và trải nghiệm đáng nhớ cho người tham dự.
Để đăng ký quan tâm và tham gia chương trình Cởi Mở Đi Unitour tại UEH, hãy tương tác và theo dõi tại fanpage Phòng Chăm sóc & Hỗ trợ người học – Department of Student Affairs UEH để cập nhật những thông tin mới nhất về các chương trình nhé!
Tin, Ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học
Tài liệu tham khảo:
1.Campaigning for global LGBTQ+ equality | Stonewall
2. What Does LGBTQ+ Mean? (verywellmind.com)
3. LGBT recognition needs more effort – Greeting Vietnam
4. VIETNAM: LGBT youth unprotected | Human Rights Without Frontiers (hrwf.eu)
5. Vì sao các từ viết tắt LGBT+ ngày một nhiều thêm? Liệu có cần thiết? | Vietcetera
6. 44% người LGBT Việt Nam từng bị kì thị trong trường học (chatluongvacuocsong.vn)