Trong ít nhất một thế kỷ vừa qua, nhiều nghiên cứu xã hội, y tế và chăm sóc sức khỏe đã được tiến hành nhằm xác định, xóa bỏ, phân biệt hoặc thống nhất tất cả các chủng tộc trên thế giới. Đã có những cuộc tranh luận sôi nổi về việc liệu chủng tộc có thật sự là một sự phân chia trên sinh học hay một cấu trúc xã hội và liệu chúng ta có nên tiếp tục nghiên cứu sự khác biệt liên quan đến chủng tộc? Đó là một chủ đề lớn để đào sâu vào lúc này, bài viết này sẽ thông tin đến bạn qua một số thuật ngữ, thảo luận và những hành động mà chúng ta cần biết.

Vậy, chủng tộc là gì?

Dựa theo Cambridge Dictionary, chủng tộc được định nghĩa là bất kỳ nhóm xã hội nào mà con người có thể được phân chia dựa trên những điểm tương đồng có thể nhận thấy về các đặc điểm thể chất của họ. Cụ thể hơn, NIH (Viện nghiên cứu bộ gen người quốc gia) định nghĩa chủng tộc là “một cấu trúc xã hội được xây dựng như một hệ thống phân nhóm con người theo thứ bậc, tạo ra các phân loại chủng tộc để xác định, phân biệt và loại trừ một số nhóm trên khắp các quốc gia, khu vực trên thế giới. Chủng tộc phân chia dân số con người thành các nhóm chủ yếu dựa trên ngoại hình, các yếu tố xã hội và nền tảng văn hóa.”

Khi xét về định nghĩa, chúng ta có thể thấy rằng chủng tộc ban đầu được tạo ra để phân biệt các nhóm người, theo một cách nào đó, nhằm nêu rõ đặc quyền sẵn có mà một số nhóm “thượng lưu” hơn sở hữu so với những nhóm khác. Ngày nay, chúng ta thường chỉ ra các chủng tộc bằng cách xem xét một số đặc điểm thể chất có thể nhìn thấy được, chẳng hạn như màu da, kiểu tóc, đặc điểm khuôn mặt và cấu tạo mắt. Những đặc điểm khác biệt như vậy có liên quan đến các tách biệt về mặt địa lý và các tập hợp lục địa về địa lý này cũng được phân chia thành các chủng tộc, chẳng hạn như “chủng tộc châu Phi”, “chủng tộc châu Âu” và “chủng tộc châu Á”. Bài viết này đồng tình với hướng định nghĩa hiện đại hơn của giáo sư Audrey Smedley:“Chủng tộc là một hệ thống cấu trúc văn hóa để định nghĩa cách chúng ta nhìn nhận, tiếp thu và diễn giải thực tế ta nhìn thấy.”

Phân biệt chủng tộc đến từ sự sợ hãi?

Theo Britannica, phân biệt chủng tộc là niềm tin rằng con người có thể được chia thành các thực thể sinh học riêng biệt và độc quyền được gọi là “chủng tộc”; rằng có mối liên quan giữa các đặc điểm thể chất được thừa hưởng từ tổ tiên dẫn tới sự khác biệt về các đặc điểm về tính cách, trí tuệ, đạo đức cũng như văn hóa và hành vi khác; và rằng một số chủng tộc là bẩm sinh vượt trội so với những chủng tộc khác. Có thể thấy, từ “chủng tộc” bằng cách nào đó đã hàm chứa ý nghĩa phân biệt chủng tộc.

Bắt nguồn từ sau thất bại của Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, chủ nghĩa bài Do Thái (antisemitism) – phân biệt đối xử với người Do Thái như một tôn giáo hoặc nhóm chủng tộc đã bị Đức Quốc xã khai thác và thực hiện các chính sách phân biệt đối xử có hệ thống, đàn áp và tàn sát hàng loạt người Do Thái ở Đức và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng bởi đội quân này. Từ đó, ý tưởng phân biệt chủng tộc đã được sử dụng để phóng đại sự khác biệt giữa những người gốc châu Âu và những người gốc châu Phi có tổ tiên vô tình bị bắt làm nô lệ và chuyển đến châu Mỹ. Đến thế kỷ 19, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc lớn dần và lan rộng khắp thế giới.

Chủ nghĩa bài ngoại (Xenophobia): ác cảm hoặc thù địch, khinh thường hoặc sợ hãi đối với người nước ngoài, những người từ các nền văn hóa khác hoặc sợ hãi phong tục, trang phục,… của những người khác biệt về văn hóa. Từ này đã được Dictionary.com lựa chọn là Từ của năm 2016 sau khi số lượng tìm kiếm từ này tăng vọt 93% do Brexit.

Được cấu thành bởi 2 cụm từ bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp: Xénos: người lạ và Phóbos: sợ hãi, nhưng chủ nghĩa bài ngoại không được coi là một chẩn đoán y khoa như chứng sợ khoảng trống (agoraphobia) hay chứng sợ biển cả (thalassophobia). Những người có quan điểm bài ngoại có thể tỏ ra thù hận đối với người nhập cư, người tị nạn, tôn giáo thiểu số và những người đến từ các nền văn hóa khác nhau.

Nó có thể được chia thành hai loại bài ngoại chính:

– Bài ngoại dân nhập cư (Immigrant xenophobia): không thích hoặc sợ hãi những người thuộc các quốc tịch hoặc tôn giáo khác nhau.

– Bài ngoại văn hóa (Cultural xenophobia): không thích hoặc thù địch với các nền văn hóa khác. Ví dụ như các sản phẩm, thực phẩm hoặc phim ảnh từ các nền văn hóa khác kém hơn so với nền văn hóa của mình là một ví dụ về điều này.

Bài ngoại có thể bắt nguồn từ: động cơ quyền lực, sự bất an, lòng tham, các định kiến ​​​​khác và các hình thức áp bức khác của riêng cá nhân mỗi người. Ngoài ra còn có các yếu tố có thể góp phần vào sự bài ngoại ít rõ ràng hơn như sự thiếu đa dạng, trình độ học vấn và nỗi sợ hãi bẩm sinh đối với người lạ.

Sự khác biệt giữa chủ nghĩa bài ngoại và phân biệt chủng tộc

Rõ ràng là phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bài ngoại có sự chồng chéo đáng kể, nhưng chúng không giống nhau. Bài ngoại đặc biệt liên quan đến một người hoặc một nhóm có địa vị trong một xã hội. Phân biệt chủng tộc liên quan cụ thể đến chủng tộc hoặc sắc tộc, cho dù người hoặc nhóm đó có địa vị “ngoại đạo” hay không. Hai hình thức thành kiến ​​này có thể xảy ra riêng biệt hoặc cùng nhau.

Ví dụ: một công dân cảm thấy bực bội đối với những người nhập cư, vì tin rằng họ đang cạnh tranh các vị trí công việc ở địa phương, là một ví dụ về chủ nghĩa bài ngoại. Trong khi cùng một công dân đó thể hiện sự căm ghét đối với tất cả những người nhập cư do định kiến ​​về sắc tộc, màu da và đặc điểm của họ, tác động của người nhập đối với nền kinh tế địa phương là một ví dụ của cả phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bài ngoại.

Sự kiện gần đây nhất liên quan đến chủ nghĩa bài ngoại là sự hung hăn và nỗi sợ đối với người châu Á xảy ra trong đại dịch Covid-19. Đã có nhiều cuộc tấn công cá nhân và tập thể được đưa tin, vụ xả súng hàng loạt ở Georgia, Atlanta,… Bắt nguồn từ nỗi sợ hãi, nó đã phát triển thành định kiến ​​và sau đó là những hành động phải trả giá bằng mạng sống.

Tuy nhiên, dù cho đó là chủ nghĩa bài ngoại hay phân biệt chủng tộc, chúng ta nên thừa nhận rằng cả hai đều các hình thức định kiến phổ biến ​​và phân biệt đối xử tác động tiêu cực đến cuộc sống của nhiều người trên toàn cầu và tiêu cực hóa mối quan hệ giữa người với người.

Hãy hành động

Ở cấp độ cá nhân, chúng ta có thể loại bỏ phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bài ngoại thông qua:

– Giáo dục: Dành thời gian tìm hiểu về sự đa dạng, chủng tộc và tỉnh táo trước tư tưởng bài ngoại. Trang bị bản thân với kiến ​​thức, thông tin từ các nguồn đáng tin cậy để lật tẩy những định kiến.

– Trân trọng văn hóa: trước hết là học cách yêu và tự hào đối với văn hóa, sắc tộc của mỗi cá nhân. Sau đó học cách tôn trọng sự khác biệt của văn hóa, chủng tộc khác. Mở rộng hiểu biết của bản thân về thức ăn, âm nhạc, phim ảnh của các nền văn hóa khác nhau. Khuyến khích bạn bè và gia đình của bạn đọc sách, xem nội dung với các nhân vật đa dạng, giới thiệu các món ăn từ nhiều nền ẩm thực khác nhau.

– Tính toàn diện: Tìm cách tạo ra môi trường hòa nhập hơn để loại bỏ khái niệm “chúng tôi so với họ”. Bạn có thể mời bạn bè nước ngoài, bạn bè từ các dân tộc khác đi chơi, học nhóm sau giờ học. Tìm hiểu thêm về các hoạt động giao lưu văn hóa với sinh viên quốc tế tại UEH English Zone.

– Lên tiếng: thẳng thắng trao đổi, lên tiếng chống lại những bình luận, trò đùa hoặc hành vi phân biệt chủng tộc, bài ngoại đến bạn bè, những người xung quanh bạn khi họ nói những điều không phù hợp.

Tóm lại, bất kể thuộc chủng tộc, nền văn hóa, dân tộc nào,  chúng ta cũng cần đảm bảo rằng chúng ta và những người quanh ta cảm thấy tự hào về màu sắc của ta, làn da của chính chúng ta!

Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA)

Tài liệu tham khảo:

Andreasen, R. O. (2000). Race: Biological Reality or Social Construct? Philosophy of Science.

Johnson, J., & Villines, Z. (2022, August 5). Xenophobia: Meaning, signs, examples, and stopping it. Medical News Today. Retrieved March 7, 2023, from https://www.medicalnewstoday.com/articles/xenophobia#types

Smedley, A. (2023, February 15). Racism | Definition, History, Laws, & Facts | Britannica. Encyclopedia Britannica. Retrieved March 7, 2023, from https://www.britannica.com/topic/racism

Takezawa, Y. I., Smedley, A., & Wade, P. (2004). Race – The history of the idea of race. Encyclopedia Britannica. Retrieved March 6, 2023, from https://www.britannica.com/topic/race-human/The-history-of-the-idea-of-race

 

Hotline