Gen Z ra đời trong thời đại mọi thứ phát triển nhanh chóng. Điều này đã giúp thế hệ vàng mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết và năng động, sẵn sàng và dũng cảm đương đầu với khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, liệu như vậy đã đủ để một cá nhân trở nên xuất sắc và nổi bật giữa lúc nguồn nhân lực đang tăng đáng kể? Hiểu được nỗi trăn trở khi không biết phải bắt đầu từ đâu, hôm nay DSA sẽ cùng bạn khám phá nội dung của một chiếc CV hoàn hảo và giải mã trang tuyển dụng phổ biến nhất hiện nay – LinkedIn.

CV – Chinh phục nhà tuyển dụng từ ánh nhìn đầu tiên (Nguồn: JobsGO)

Theo Vietnamworks, CV là từ viết tắt của “Curriculum Vitae”, là tài liệu chi tiết tổng hợp mọi sự kiện quan trọng trong cuộc đời của mỗi người, phục vụ cho mục đích tuyển dụng. Theo đó, CV là một bản tóm tắt các thông tin về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc cũng như các kỹ năng liên quan đến vị trí công việc mà bạn đang ứng tuyển, là một công cụ để quảng cáo bản thân trước các nhà tuyển dụng. Vì thế, một chiếc CV thu hút sẽ làm bạn nổi bật lên giữa hàng trăm các ứng viên.

Do đó, để có thể để lại ấn tượng ban đầu tốt đẹp trong mắt nhà tuyển dụng, DSA dành lời khuyên đến bạn như sau:

Chỉn chu từ những gì bạn chọn để viết…

Giới thiệu bản thân/Mục tiêu nghề nghiệp/Tóm tắt sự nghiệp

Đây là một công cụ tốt giúp bạn gây được sự chú ý từ phía nhà tuyển dụng. Đối với họ, những gì bạn thể hiện ở phần này sẽ giúp họ định hình được bạn là ai, và xem xét liệu rằng bạn có thực sự hiểu về vị trí mà bạn đang ứng tuyển hay không. Do đó, về phía bạn, hãy chắt lọc những nội dung quan trọng và nên viết sau khi đã hoàn thiện các phần khác trong CV.

Kỹ năng/Hoạt động ngoại khóa

Tùy vào vị trí ứng tuyển, bạn sẽ cần những bộ kỹ năng khác nhau để nâng cấp bản thân trong mắt nhà tuyển dụng. Theo Vietnamworks, những kỹ năng này được chia thành 3 loại, một chiếc CV bao gồm đủ 3 loại này sẽ cực kỳ thu hút nhà tuyển dụng đấy nhé:

Kỹ năng cứng (hard skills) là những kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc, bao gồm những kiến thức, hiểu biết và trải nghiệm thực hành mang tính chuyên môn cao. Nhà tuyển dụng thường quan tâm đến các kỹ năng này hơn cả. Sử dụng tin học văn phòng hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ sẽ thuộc về loại kỹ năng này.

Kỹ năng mềm (soft skills) là những đặc điểm/tính cách cá nhân thể hiện phong cách làm việc của bạn. Có lẽ bạn cũng đã khá quen thuộc với các kỹ năng như kỹ năng đàm phán, thuyết trình, làm việc nhóm… đúng không nào?

Kỹ năng chuyển đổi (transferable skills) là những kỹ năng có thể sử dụng linh hoạt từ công việc này sang công việc khác. Kỹ năng giao tiếp là một ví dụ. Có thể thấy nếu bạn giao tiếp tốt, bạn có thể trở nên nổi bật ở bất kỳ vị trí nào. Nếu ở trong lĩnh vực giáo dục, bạn sẽ cần phải giao tiếp với học sinh, phụ huynh và các giảng viên khác. Mặt khác, nếu bạn lựa chọn ứng tuyển vào vị trí bán hàng, nhà tuyển dụng cũng sẽ ưu tiên những ứng viên có thể giao tiếp thuần thục với khách, quản lý cũng như các đồng nghiệp khác. Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu và trau dồi thêm các kỹ năng như kỹ năng lãnh đạo, quản lý thời gian hay nghiên cứu, phân tích…

Đây là điểm nhấn cho CV của bạn. Đặc biệt là khi bạn chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, hoạt động ngoại khóa sẽ khiến nhà tuyển dụng ấn tượng về một con người “đa zi năng” trong bạn. Tuy nhiên, lưu ý rằng bạn chỉ nên nêu những kỹ năng liên quan đến công việc và sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên nhé.

Kinh nghiệm làm việc

Đây là một trong những nội dung quan trọng nhất trong CV, là thước đo năng lực của bạn trong mắt nhà tuyển dụng. Nếu phần Kỹ năng nêu bật những gì bạn có, thì Kinh nghiệm làm việc sẽ là cách bạn sử dụng chúng. Do đó, bạn nên liệt kê những công việc cung cấp cho bạn kiến thức và kỹ năng liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển. Đây cũng là cách bạn thể hiện sự hiểu biết về ngành nghề và sự rõ ràng trong mục tiêu sự nghiệp của bạn với nhà tuyển dụng.

Đối với từng công việc, bạn nên viết đầy đủ những thông tin như: tên công ty, chức vụ, thời gian đảm nhận vị trí, sơ về quá trình làm việc và thành tựu của bạn khi đóng góp cho công ty đó.

   

Kinh nghiệm làm việc thể hiện cách bạn dùng các kỹ năng học được vào môi trường làm việc chuyên nghiệp (Nguồn: Business Study Notes)

… cho đến cách bạn viết chúng

Bạn có biết, nhà tuyển dụng thường không dùng đến một phút để “đọc” CV của bạn. Chính vì vậy, để lọt vào “tầm ngắm” của họ, bạn đừng quên luôn phải chăm lo cho “vẻ ngoài” trợ thủ của bạn đấy!

Trước tiên, hãy chú ý đến độ dài của CV nhé. Một CV xin việc thông thường chỉ có 1 – 2 mặt A4 thôi. Nếu CV của bạn “lỡ” quá dài, hãy cân nhắc rút ngắn các mục, chỉ để lại những nội dung liên quan đến vị trí ứng tuyển, hoặc chỉnh sửa hình thức như font chữ nhưng vẫn phải đảm bảo tính thẩm mỹ nhé. Bên cạnh đó, luôn phải nhớ rằng sự chính xác là rất quan trọng. Hãy chắc chắn bạn không để lại bất kỳ lỗi chính tả hay lỗi hình thức nào cho nhà tuyển dụng. Thông tin rõ ràng, đầy đủ, mạch lạc cũng là một điểm cộng cho CV của bạn đấy!

Trình bày bố cục CV hợp lý là cách thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng

(Nguồn: JobsGO)

Bây giờ, bạn hẳn đã thu phục được người “trợ thủ” đầu tiên cho bản thân rồi nhỉ! Tuy nhiên, một Gen Z năng động sẽ không bỏ qua bất kì một cơ hội nào có thể tăng thêm “sức tấn công” của mình. Vậy bạn đã biết về “vũ khí” đặc biệt có thể đốn gục ngay cả những nhà tuyển dụng khó tính nhất – LinkedIn chưa? DSA ở đây là để giúp bạn giải mã nền tảng xã hội xịn nhất hiện nay, còn chờ gì nữa mà không lấy giấy bút ghi lại nào!

Giải mã LinkedIn

Tương tự như một nền tảng mạng xã hội phổ biến khác là Facebook, LinkedIn yêu cầu bạn có một tài khoản để sử dụng các tính năng của họ, như kết nối với mọi người thông qua việc thêm họ vào “connections”, hay liên lạc riêng với nhau qua tin nhắn.

LinkedIn là nền tảng mạng xã hội dành cho các cá nhân tìm kiếm việc làm và doanh nghiệp mong muốn kết nối với các ứng viên tiềm năng (Nguồn: marketing ai)

Vì sao sinh viên nên tìm đến với LinkedIn?

  • Profile của LinkedIn là nơi hiển thị những thông tin như kinh nghiệm làm việc, kỹ năng, bằng cấp, và các thông tin khác giống như một bản CV chuyên nghiệp. Do đó, bạn có thể sử dụng nền tảng này để xây dựng thương hiệu cá nhân, phục vụ cho việc phát triển sự nghiệp trong tương lai.
  • Khả năng gợi ý mối quan hệ của LinkedIn sẽ giúp bạn kết nối với những người chung chí hướng, kể cả với những người bạn chưa quen biết. Việc mở rộng mối quan hệ từ lâu đã được coi là điều kiện thiết yếu nếu bạn có hoài bão lớn và muốn phát triển sự nghiệp, công việc trong tương lai.
  • LinkedIn cũng cung cấp đa dạng các khóa học, chứng chỉ chuyên ngành. Do đó, đây là một nơi giúp bạn tích lũy kỹ năng cần thiết và làm đẹp thêm cho CV của bạn.

Trên hết, chức năng chủ yếu của LinkedIn, tìm kiếm và ứng tuyển công việc, sẽ giúp sinh viên tìm hiểu các thông tin về doanh nghiệp cũng như hiểu hơn về môi trường làm việc để có một sự chuẩn bị vững chắc cho tương lai.

Làm thế nào để dùng LinkedIn một cách hiệu quả?

  • Hoàn thiện Profile cá nhân trên LinkedIn: Những Profile hoàn chỉnh có thể nhận được số lượt xem gấp nhiều lần so với những Profile chưa được điền thông tin đầy đủ. Do vậy, nếu bạn đang có nhu cầu tìm việc làm, đối tác hay quảng bá thương hiệu, cập nhật Profile thường xuyên là một việc vô cùng cần thiết.
  • Xác định rõ mục đích Networking của mình: Mỗi một mục đích khi sử dụng LinkedIn như tìm việc, tuyển nhân sự, mở rộng kết nối, hỗ trợ kinh doanh sẽ cần có chiến lược Networking cũng như đối tượng khác nhau.
  • Đảm bảo hoạt động của bạn trên nền tảng: Việc giữ cho hoạt động diễn ra thường xuyên là cách để nhiều người tìm đến với bạn trên LinkedIn. Bạn có thể hoạt động trên nền tảng này bằng cách like, share, việc này sẽ khiến nhiều người biết đến bạn hơn nữa.
  • Chú ý các thông báo tuyển dụng: Theo thông tin từ glints, từ số liệu của LinkedIn, bạn sẽ có khả năng được nhận phản hồi từ người tuyển dụng cao gấp 4 lần bình thường nếu bạn gửi hồ sơ xin việc trong phòng 10 phút kể từ khi công việc được đăng tuyển. Vì vậy, hãy nhanh chân khi bạn đã nhắm được vị trí bạn thích nhé.
  • Hãy gắn URL LinkedIn của bạn ở tất cả những nơi dễ nhận diện nhất như chữ ký Email, Facebook, website,… Điều này giúp những nhà tuyển dụng dễ dàng tìm ra profile của bạn.

Giới thiệu về LinkedIn Learning

Đừng chỉ mãi đi xây dựng LinkedIn cho riêng mình mà quên rằng nền tảng này còn có những điều vô cùng bổ ích đang chờ bạn khai thác. Một trong số đó phải kể đến đó là LinkedIn Learning. Đây là một nền tảng học trực tuyến được phát triển bởi LinkedIn, cung cấp hàng ngàn khóa học về các lĩnh vực như kỹ năng kinh doanh, công nghệ thông tin, thiết kế, phát triển cá nhân và nhiều lĩnh vực khác. Các khóa học đều được tạo ra bởi các chuyên gia hàng đầu trong ngành và được cập nhật thường xuyên, thực hiện tốt nhất chức năng giúp người học phát triển kỹ năng và cập nhật kiến thức cần thiết.

(Nguồn: LinkedIn Learning)

Chỉ Giải mã thôi là chưa đủ, bởi để phát triển, nâng tầm bản thân bạn sẽ cần học hỏi, trau dồi nhiều hơn thế. Nhưng đừng quá nóng vội hay lo lắng vì DSA luôn ở đây để nâng cấp cùng bạn thông qua những chia sẻ bổ ích. Và đừng chần chừ nữa mà hãy tiếp tục “giải mã” cùng DSA tại “Những Website giúp bạn nâng cấp bản thân”.

Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA)

Hotline